Điểm lại những vấn đề chính trong hội đàm giữa Liên bang Nga và Mỹ tại Saudi Arabia

Nga và Mỹ đã thực hiện những bước đi đầu tiên nhằm bình thường hóa quan hệ sau nhiều năm bế tắc dưới chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Chú thích ảnh
Các quan chức Saudi Arabia, Nga và Mỹ tại hội đàm ngày 18/2 tại Riyadh. Ảnh: DPA/TTXVN

Theo đài RT ngày 18/2, các phái đoàn từ Moskva và Washington đã gặp nhau tại Riyadh (Saudi Arabia) để thảo luận về khôi phục quan hệ ngoại giao, các cuộc đàm phán hòa bình Ukraine trong tương lai và hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump.

Phái đoàn Nga bao gồm Ngoại trưởng Sergey Lavrov, Trợ lý tổng thống Yury Ushakov và Giám đốc Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev. Đại diện phía Mỹ có Ngoại trưởng Marco Rubio, Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz và Đặc phái viên Steve Witkoff.

Cuộc họp kéo dài gần 4,5 giờ giữa hai bên có nhiều điểm quan trọng.

Nga và Mỹ sẽ khôi phục các phái bộ ngoại giao

Theo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, cuộc hội đàm đã mang lại kết quả tích cực và cả hai phái đoàn đã làm việc khá thành công để cải thiện quan hệ.

Ông Lavrov cho biết một trong những bước đầu tiên được thống nhất trong cuộc họp là giải quyết dứt điểm vấn đề liên quan đến các phái bộ ngoại giao. Trong thời gian chính quyền ông Biden nắm quyền, cả hai nước đã trục xuất một số lượng lớn nhân viên ngoại giao của nhau, khiến quan hệ giữa Moskva và Washington bị gián đoạn.

Theo cuộc họp, Nga và Mỹ đã cam kết bổ nhiệm đại sứ tại mỗi nước trong thời gian sớm nhất, đồng thời loại bỏ các rào cản mà chính quyền ông Biden đã dựng lên để gây trở ngại nghiêm trọng cho hoạt động của các phái bộ ngoại giao Nga và cản trở phát triển quan hệ song phương.

Các quan chức cấp phó của bộ ngoại giao hai nước sẽ sớm gặp nhau để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, trong đó có việc tịch thu tài sản ngoại giao của Nga tại Mỹ và các hạn chế đối với giao dịch ngân hàng đối với phía Nga.

Mỹ đã bắt đầu lắng nghe Nga

Theo Ngoại trưởng Lavrov, các phái đoàn Nga và Mỹ không chỉ lắng nghe mà còn hiểu nhau trong cuộc đàm phán. Ông cho biết phía Mỹ đã bắt đầu hiểu rõ hơn lập trường của Nga, điều mà Nga đã nhiều lần nhấn mạnh trong những năm qua.

Ông Lavrov thừa nhận rằng điều này không có nghĩa là lợi ích quốc gia của hai nước sẽ không còn xung đột, nhưng quan trọng là cả hai bên đang nỗ lực thiết lập đối thoại.

Ông cũng nói thêm rằng Nga và Mỹ đã bày tỏ mong muốn nối lại các cuộc tham vấn về giải quyết các vấn đề địa chính trị và dỡ bỏ những rào cản đối với hợp tác kinh tế. Ông nhấn mạnh rằng phía Mỹ đã thể hiện quyết tâm tiến về phía trước trong quan hệ song phương.

Lập trường của Nga về Ukraine và NATO

Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội đàm, ông Lavrov nhắc lại lập trường của Nga về xung đột Ukraine, đặc biệt là việc Ukraine gia nhập NATO sẽ là mối đe dọa trực tiếp đối với Nga.

Ông cũng nhấn mạnh rằng triển khai binh sĩ từ các quốc gia thành viên NATO tới Ukraine, dù dưới lá cờ Liên minh châu Âu hay cờ quốc gia, cũng sẽ không thể chấp nhận được đối với Nga.

Phía Nga bày tỏ trân trọng đối với ông Trump vì đã trở thành nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên thừa nhận rằng tham vọng gia nhập NATO của Ukraine là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến xung đột.

Nga và Mỹ đồng ý tôn trọng lợi ích của nhau

Các phái đoàn đã có một cuộc thảo luận rất nghiêm túc về tất cả các vấn đề mà hai bên muốn giải quyết. Tuy nhiên, trợ lý Tổng thống Nga Yury Ushakov lưu ý rằng còn quá sớm để nói liệu lập trường của hai nước có xích lại gần nhau hay không.

Dù vậy, ông Ushakov khẳng định Nga và Mỹ đã thống nhất tôn trọng lợi ích của nhau trong khi vẫn thúc đẩy quan hệ song phương.

Nga và Mỹ sẽ thảo luận về xung đột Ukraine

Ông Ushakov cho biết mặc dù Nga và Mỹ đã nêu rõ lập trường của mình về cuộc xung đột Ukraine, nhưng việc đạt được tiến bộ trong vấn đề này sẽ phụ thuộc vào các nhóm đàm phán của hai nước trong thời gian tới.

Ông Ushakov nói: “Phía Mỹ cần chỉ định đại diện của mình, chúng tôi cũng sẽ cử người và sau đó có thể các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu”.

Quan hệ có thể cải thiện trong vài tháng tới

Giám đốc RDIF Kirill Dmitriev nhận định rằng các phái đoàn đã trao đổi với thái độ tôn trọng và trên tinh thần bình đẳng. Ông cho rằng hai bên có thể đạt được tiến triển đáng kể trong các cuộc đàm phán trong vòng hai đến ba tháng tới.

Dù thừa nhận còn quá sớm để nói về bất kỳ nhượng bộ nào, nhưng ông nhấn mạnh rằng cuộc họp đã đặt ra nền tảng quan trọng cho đối thoại. Các quan chức hai bên đều khẳng định cần phải hợp tác và khai thác các cơ hội kinh tế nhằm mang lại lợi ích cho cả hai nước.

“Chúng ta cần theo đuổi các dự án chung, bao gồm cả ở Bắc Cực và các lĩnh vực khác”, ông nói.

Chưa rõ ngày tổ chức hội nghị thượng đỉnh Putin - Trump

Sau cuộc hội đàm ngày 18/2, ông Ushakov nói rằng vẫn chưa thể xác định chính xác thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo, đồng thời nhấn mạnh khả năng sự kiện này diễn ra vào tuần tới, như một số phương tiện truyền thông đưa tin trước đó, là khó xảy ra.

Mỹ đồng ý bình thường hóa quan hệ với Nga

Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sau cuộc hội đàm rằng Ngoại trưởng Marco Rubio và các thành viên trong phái đoàn của ông đã đồng ý với phái đoàn Nga về việc thiết lập một cơ chế tham vấn để giải quyết những vướng mắc trong quan hệ song phương và bình thường hóa hoạt động của các phái bộ ngoại giao hai nước.

Ngoại trưởng Rubio cho biết Nga và Mỹ đã đồng ý khôi phục lại số lượng nhân viên ngoại giao trước đây tại các đại sứ quán ở Moskva và Washington, sau nhiều năm cắt giảm nhân sự để trả đũa lẫn nhau.

Ông cũng lưu ý rằng Moskva và Washington cần xem xét tương lai của hợp tác kinh tế và địa chính trị sau khi xung đột Ukraine được giải quyết.

Nhóm đặc biệt sẽ làm việc để tìm giải pháp cho Ukraine

Mỹ cũng thông báo rằng Nga và Mỹ đã đồng ý thành lập các nhóm cấp cao để tìm ra con đường hướng tới giải quyết xung đột Ukraine càng sớm càng tốt và đảm bảo một nền hòa bình bền vững, có thể chấp nhận được đối với tất cả các bên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce nhấn mạnh rằng một cuộc điện đàm và một cuộc họp là chưa đủ để thiết lập hòa bình lâu dài. Bà cho rằng dù cuộc họp ngày 18/2 là một bước tiến quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Lý do Đặc phái viên Mỹ về Ukraine bất ngờ ‘mất tích’ trong đàm phán Mỹ-Nga về Ukraine
Lý do Đặc phái viên Mỹ về Ukraine bất ngờ ‘mất tích’ trong đàm phán Mỹ-Nga về Ukraine

Cuộc đàm phán Mỹ-Nga tại Saudi Arabia, trong đó có nội dung chấm dứt chiến tranh Ukraine đã không có sự tham dự của ông Keith Kellogg, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Liên bang Nga và Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN