Điểm lại các kế hoạch hoà bình cho xung đột Nga – Ukraine

Khi phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) sắp kết thúc vào tuần trước, Trung Quốc và Brazil đã tổ chức một cuộc họp bên lề với sự tham dự của 17 thành viên. Mục đích của cuộc họp kín ngày 27/9 là tập hợp sự ủng hộ cho kế hoạch hòa bình về xung đột Ukraine.

Chú thích ảnh
Chiến sự Nga - Ukraine vẫn leo thang căng thẳng. Ảnh minh hoạ: Bộ Quốc phòng Nga/TASS

Tháng 2/2022, Nga đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, đánh dấu cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu kể từ khi Thế chiến thứ 2 kết thúc. Cuộc xung đột này đã định hình lại cơ bản các mối quan hệ và kinh tế toàn cầu, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và an ninh lương thế giới.

Kể từ đó, và đặc biệt là trong những tuần gần đây, Nga và Ukraine đã leo thang các cuộc tấn công vào lãnh thổ của nhau. Đầu tuần này, lực lượng Nga đã kiểm soát thị trấn Vuhledar có ý nghĩa chiến lược lớ ở miền Đông Ukraine.

Bên cạnh các cuộc giao tranh dữ dội, các kế hoạch hòa bình nhằm cố gắng chấm dứt xung đột ở Ukraine đã được đưa ra. Phân tích của nhà khoa học chính trị Masha Hedburg tại Trung tâm Davis nghiên cứu về Nga và Á - Âu của Đại học Harvard, ước tính từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2024, ít nhất 25 kế hoạch hòa bình đã được đưa ra.

Tuy nhiên, Ukraine khẳng định họ chỉ chấp thuận kế hoạch hòa bình do chính nước này đề xuất.

Vậy các kế hoạch hòa bình này là gì, khác nhau như thế nào và các quốc gia có lập trường như thế nào về các đề xuất đó?

Kế hoạch của Trung Quốc và Brazil

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại New York, Mỹ, ngày 25/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Bên lề cuộc họp của UNGA, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Cố vấn chính sách đối ngoại của Brazil Celso Amorim đã chủ trì cuộc họp dành cho nhóm “Những người bạn vì hòa bình”. Cuộc họp không có sự tham dự của Ukraine hoặc Nga.

Trung Quốc và Brazil lần đầu đề xuất kế hoạch hoà bình cho xung đột Ukraine hồi tháng 5. Theo một tuyên bố được công bố trên trang web của chính phủ Brazil, kế hoạch này kêu gọi 

  • Nga và Ukraine không mở rộng xung đột, không có hành động leo thang hay khiêu khích lẫn nhau
  • Tiếp tục đối thoại trực tiếp và thúc đẩy giảm leo thang cho đến khi đạt được lệnh ngừng bắn. Tổ chức hội nghị hòa bình quốc tế được có cả Nga và Ukraine cùng tham dự.
  • Tăng cường viện trợ nhân đạo và trao đổi tù binh, không tấn công dân thường.
  • Ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân và tránh khủng hoảng hạt nhân.
  • Phản đối các cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân hòa bình.
  • Hỗ trợ hợp tác quốc tế về năng lượng, tiền tệ, tài chính, thương mại, an ninh lương thực và an ninh cơ sở hạ tầng quan trọng.

Ukraine từ chối ủng hộ sáng kiến này, cho rằng nó không bảo đảm lợi ích quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của mình, nhấn mạnh rằng những quốc gia “Nam Bán cầu” như Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ có lợi ích kinh tế khác với mục tiêu của Ukraine trong xung đột.

Về phần mình, Nga có vẻ sẵn sàng xem xét sáng kiến này. Theo các tuyên bố gần đây của đại diện Nga, Moskva có thể sẽ tham gia vào một hội nghị thượng đỉnh về sáng kiến hòa bình nếu các điều khoản của hội nghị được làm rõ.

Thụy Sĩ, nước đã cử quan sát viên đến cuộc họp do Trung Quốc và Brazil tổ chức, đã hoan nghênh đề xuất này. Và động thái ủng hộ kế hoạch do Trung Quốc – Brazil đề xuất của Thuỵ Sĩ đã bị Ukraine chỉ trích.

Kế hoạch của Ukraine

Chú thích ảnh
Tổng thống Putin và ông Zelensky đều chỉ ra rằng kế hoạch này sẽ không hiệu quả.

Bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố “công thức hòa bình” do Tổng thống Volodymyr Zelensky đề xuất là “con đường duy nhất dẫn đến một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững”. Ông Zelensky khẳng định Nga phải “bị ép chấp nhận hòa bình” và các nỗ lực đàm phán với Moskva sẽ là vô ích.

Vào tháng 6, Thụy Sĩ đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hòa bình dựa trên kế hoạch hòa bình của ông Zelensky - một cuộc họp kín không có sự tham dự của cả Nga và Trung Quốc. Brazil, quốc gia tham gia hội nghị thượng đỉnh này, đã không ký vào tuyên bố chung cuối cuộc họp đó.

Kế hoạch hòa bình này gồm 10 điểm:

  • Một là, an toàn bức xạ và hạt nhân, tập trung vào việc khôi phục an toàn xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia ở miền Nam Ukraine, hiện do Nga kiểm soát.
  • Hai là, an ninh lương thực, bao gồm bảo vệ và đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sang các quốc gia nghèo nhất thế giới.
  • Ba là, An ninh năng lượng, tập trung vào kiểm soát giá đối với các nguồn năng lượng từ Nga, cũng như hỗ trợ Ukraine khôi phục cơ sở hạ tầng điện, một nửa trong số đó đã bị hư hại do các cuộc tập kích của Nga.
  • Bốn là, trả tự do cho tất cả tù nhân và người bị trục xuất, kể cả tù nhân chiến tranh và trẻ em bị trục xuất sang Nga.
  • Năm là, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và Nga phải tái khẳng định điều đó theo Hiến chương Liên hợp quốc.
  • Sáu là, Nga rút quân, chấm dứt chiến sự và khôi phục biên giới của Ukraine với Nga.
  • Bày là, công lý, bao gồm cả việc lập một tòa án đặc biệt để xét xử các tội ác chiến tranh.
  • Tám là, bảo vệ môi trường, tập trung vào rà phá bom mìn và khôi phục các cơ sở xử lý nước.
  • Chín là, mgăn chặn leo thang xung đột và xây dựng cấu trúc an ninh trong không gian châu Âu - Đại Tây Dương, bao gồm cả những đảm bảo cho Ukraine.
  • Cuối cùng, xác nhận chiến sự kết thúc, gồm văn bản có chữ ký của các bên tham gia.

Nga cáo buộc công thức hòa bình này là “tối hậu thư” và khẳng định không thương lượng dựa trên phương án này. Phía Nga nhấn mạnh mọi đàm phán phải dựa trên thực tế mới về lãnh thổ, nghĩa là Ukraine phải công nhận 4 tỉnh đã sáp nhập Nga cũng như từ bỏ tham vọng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Kế hoạch của Nga

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại St. Petersburg, Nga, ngày 7/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Tháng 6, vài ngày trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh hòa bình tại Thụy Sĩ, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra kế hoạch ngừng bắn trong cuộc họp với các đại sứ Nga. Ông yêu cầu:

Ukraine rút quân khỏi các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát – gồm Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Lugansk.

Ukraine từ bỏ việc gia nhập NATO trước khi các cuộc đàm phán hòa bình bắt đầu.

Về phần mình Ukraine và Mỹ đều chỉ trích kế hoạch này. Cố vấn tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak coi đây là “xúc phạm đến lẽ thường”

Ông Zelensky nói rằng những thông điệp trên của Nga chính là “tối hậu thư”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng cho biết ông Putin “không có tư cách để ra lệnh cho Ukraine những gì họ phải làm để mang lại hòa bình”.

Kế hoạch hòa bình của châu Phi

Chú thích ảnh
Từ trái sang: Thủ tướng Ai Cập Mustafa Madbuli, Tổng thống Senegal Macky Sall, Tổng thống Comoros Azali Assoumani, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và Tổng thống Zambia Hakainde Hichilema tại Kiev ngày 16/6. Ảnh: Reuters

Tháng 6/2023, các nhà lãnh đạo của bảy quốc gia ở châu Phi đã gặp riêng ông Zelensky và ông Putin. Phái đoàn bao gồm các tổng thống của Nam Phi, Ai Cập, Senegal, Cộng hòa Dân chủ Congo, Comoros, Zambia và Uganda.

Đề xuất này bao gồm 10 điểm với các yếu tố chính bao gồm:

  • Công nhận chủ quyền của Nga và Ukraine.
  • Không cản trở việc xuất khẩu ngũ cốc.
  • Giảm leo thang giao tranh và bắt đầu đàm phán.
  • Trả tự do cho tù nhân chiến tranh và thúc đẩy viện trợ nhân đạo.

Tổng thống Putin và ông Zelensky đều chỉ ra rằng kế hoạch này sẽ không hiệu quả.

Ông Zelensky đã bác bỏ các đề xuất trên, nói rằng các cuộc đàm phán hòa bình chỉ có thể diễn ra sau khi Nga rút quân khỏi Ukraine.

Ấn Độ tham gia vào các nỗ lực hòa bình

Chú thích ảnh
Thủ tướng Modi trong cuộc gặp Tổng thống Zelensky ở Kiev ngày 23/8/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Ngày 23/9, Tổng thống Zelensky đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Đây là cuộc gặp lần thứ 3 của hai nhà lãnh đạo trong năm nay.

Nhà lãnh đạo Ukraine đã đăng trên tài khoản X rằng: “Việc thực hiện công thức Hòa bình đã được thảo luận trong cuộc họp ở New York.

Trước đó, ngày 10/9, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tuyên bố: “Trong cuộc xung đột này, chúng tôi không tin rằng giải pháp sẽ đến từ chiến trường. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng đàm phán là cách duy nhất để tiến về phía trước, tại một thời điểm nào đó phải có đàm phán”.

Theo ông Jaisshankar, đã có những đề xuất về việc Ấn Độ tổ chức một hội nghị hòa bình về vấn đề này. Tuy nhiên, quốc gia Nam Á này vẫn chưa đưa ra kế hoạch hòa bình của riêng mình và bất chấp mối quan hệ gắn bó gần đây giữa ông Modi và Zelensky, New Delhi và Kiev vẫn có những bất đồng sâu sắc về cách thức hướng tới hòa bình ở Ukraine.

Mặc dù Ấn Độ đã tham gia hội nghị thượng đỉnh hòa bình Thụy Sĩ, nhưng nước này đã từ chối ký vào tuyên bố chung dựa trên kế hoạch hòa bình của ông Zelensky. New Delhi nhấn mạnh rằng họ chỉ có thể đồng ý với một “bản thiết kế” cho hòa bình xuất phát từ các cuộc đàm phán mà Nga cũng tham gia.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Al Jazeera)
Những quốc gia nổi lên là trung gian cho đàm phán hoà bình Nga - Ukraine
Những quốc gia nổi lên là trung gian cho đàm phán hoà bình Nga - Ukraine

Mặc dù quan điểm của các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine thường xuyên mâu thuẫn, nhiều quốc gia vẫn nổi lên như những trung gian tiềm năng có thể đóng vai trò hỗ trợ trong các cuộc đàm phán. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN