Bộ trưởng Y tế Đức khẳng định, trong trường hợp xấu nhất như vậy, Đức đã có đủ các cơ sở chăm sóc đặc biệt, khu vực cách ly cũng như trang thiết bị liên quan.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành y tế Đức, tình hình hiện nay ở Đức chưa thể gọi là “bệnh dịch". Trong khi đó, số người nhiễm chủng mới của virus Corona (2019-nCoV) ở Đức đã tăng lên 10 người, trong đó có 8 nhân viên làm việc trong công ty phân phối phụ tùng ô tô Webasto và 2 người con của một trong số nhân viên này. Con số này chưa tính tới 2 trường hợp nhiễm bệnh vừa trở về Đức từ Vũ Hán (Trung Quốc). Công ty Webasto cũng đã thông báo đóng cửa cho đến ngày 11/2 tới.
Trong một diễn biến liên quan, Hiệp hội Bảo hiểm Y tế tư nhân (PKV) của Đức vừa thông báo sẽ vẫn thực hiện bảo hiểm cho các trường hợp đi du lịch nước ngoài nếu khách hàng không may bị nhiễm virus Corona. Mọi chi phí chữa trị ở nước ngoài khi bị nhiễm nCoV (vốn không được chi trả theo luật) vẫn được thanh toán cho người bệnh.
Trước tình hình dịch bệnh nghiêm trọng ở Trung Quốc, hãng hàng không Đức Lufthansa thông báo hủy tất cả các chuyến bay đến và đi từ thủ đô Bắc Kinh cho đến ngày 29/2 tới. Theo đó, các hãng hàng không Lufthansa, Swiss và Austrian Airlines (hai công ty con của Lufthansa) sẽ hủy mọi chuyến bay đến và đi từ Bắc Kinh. Trong khi các điểm đến như Nam Kinh, Thẩm Dương và Thanh Đảo ở Trung Quốc sẽ chỉ được nối lại đường bay vào cuối tháng 3/2020. Như vậy, tính trung bình, Lufthansa hủy 54 chuyến bay từ Đức, Thụy Sĩ và Áo tới Trung Quốc. Tuy nhiên, Lufthansa vẫn khai thác 19 chuyến bay hàng tuần đến và đi từ Hong Kong (Trung Quốc) theo lịch trình.
Cùng ngày 3/2, phát biểu sau cuộc thảo luận trực tuyến với những người đồng cấp Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn cho biết các nước G7 sẽ nỗ lực hết sức trong việc phối hợp hành động nhằm ứng phó với virus nCoV. Theo đó, các nước G7 (gồm Đức, Mỹ, Pháp, Italy, Nhật Bản, Canada và Anh) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải tuân thủ những quy định trong vấn đề đi lại (du lịch), các biện pháp phòng ngừa, việc nghiên cứu về chủng virus mới cũng như việc hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh châu Âu (EU) và với Trung Quốc. Ông cũng cho rằng một sự phản ứng hiệu quả chỉ có thể có được với sự phối hợp đồng thuận của quốc tế và châu Âu.