Dịch COVID-19: Tình hình dịch bệnh ngày 15/4

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 15/4 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 139.108.853 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.989.644 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 118.302.099 người.

Chú thích ảnh
Giáo viên và học sinh đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại trường học ở Los Angeles, California, Mỹ, ngày 13/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 578.125 ca tử vong trong tổng số 32.152.620 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 173.451 ca tử vong trong số 14.147.568 ca bệnh. Đứng thứ 3 là Brazil với 362.180 ca tử vong trong số 13.677.564 bệnh nhân.

Tại châu Âu, Đức ghi nhận 29.426 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 8/1, nâng tổng số ca bệnh lên hơn 3 triệu ca. Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ Đức đang tìm cách thúc đẩy các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn trên toàn quốc nhằm kiềm chế làn sóng dịch bệnh thứ 3.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng bên ngoài một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 12/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cũng hối thúc chính quyền 16 bang của nước này chủ động tăng cường các biện pháp hạn chế nhằm nhanh chóng kiềm chế dịch COVID-19 lây lan, thay vì chờ đợi để áp đặt các biện pháp được chính phủ thông qua.

Trong khi đó, Ireland đang có kế hoạch nới lỏng các hạn chế do tình hình dịch bệnh được cải thiện đáng kể. Phó Thủ tướng Leo Varadkar cho biết nước này đang trong quá trình khôi phục trạng thái bình thường mới, theo đó sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế từ ngày 4/5 cho phép các cửa hàng bán lẻ, một số cửa hàng dịch vụ  được mở cửa trở lại và từng bước triển khai kế hoạch mở cửa sâu rộng hơn trong tháng 6 và tháng 7 tới. Trong tuần này, Ireland đã cho phép sinh viên quay trở lại trường học và dần nới lỏng hoạt động buôn bán của các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Cuối tháng 12/2020, Ireland đã ban hành quy định đóng cửa hầu hết các cửa hàng, trung tâm thương mại tại các tòa nhà cao tầng và bệnh viện sau khi số ca nhiễm mới gia tăng mạnh. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 7/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình dịch bệnh ở nhiều nước châu Á vẫn diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tiếp tục tăng cao trong 24 giờ qua. Cụ thể, Thái Lan ghi nhận 1.543 ca nhiễm mới, mức cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp; Philippines 11.429 ca; Campuchia 344 ca...

Tại Nhật Bản, số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng cao ở nhiều tỉnh, thành. Tỉnh Osaka ghi nhận 1.208 ca nhiễm mới, cao nhất từ trước tới nay; thủ đô Tokyo với 729 ca, cao nhất kể từ ngày 4/2 – thời điểm thành phố này vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ cho phép chính quyền 3 tỉnh Saitama, Kanagawa và Aichi áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm vào tuần tới cùng với 6 tỉnh, thành đã triển khai các biện pháp này. Ngoài ra, theo các quan chức Chính phủ Nhật Bản, tỉnh Chiba có thể sẽ nằm trong danh sách này nếu thống đốc tỉnh đề nghị.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 9/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm tại thủ đô New Delhi vào cuối tuần này nhằm khống chế dịch COVID-19. Theo đó, các trung tâm thương mại, phòng tập thể thao, dịch vụ ăn uống phục vụ tại nhà hàng,... sẽ phải ngừng hoạt động vào cuối tuần. Ấn Độ từng áp đặt lệnh phong tỏa một năm trước và lệnh phong tỏa này đã khiến kinh tế nước này suy giảm nghiêm trọng. Chính phủ Ấn Độ đang cố gắng tránh áp đặt lệnh phong tỏa lần hai.

Tại Campuchia, chính quyền thủ đô Phnom Penh đã quyết định đóng cửa 14 ngày tất cả các nhà máy để ngăn chặn nguy cơ dịch COVID-19 lây lan. Cùng lúc, Tỉnh trưởng tỉnh Kandal, ông Kong Sophorn cũng cho biết chính quyền tỉnh này đã tổ chức thanh tra và đóng cửa bất kỳ nhà máy nào được cho là có nguy cơ lây nhiễm cao, đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho các công nhân để phòng bùng phát dịch. Theo báo cáo của chính quyền tỉnh Kandal, trong những ngày qua, có thêm nhiều công nhân dệt may bị phát hiện nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, đặc biệt là nhà máy dệt may Din Han ở phường Stung Meanchey, quận Meanchey. Cho đến nay, đã có hơn 600 công nhân có xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 28/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Malaysia, do số ca nhiễm mới tăng mạnh trong hai tuần qua, 7/10 quận thuộc bang Kelantan ở Malaysia sẽ phải thực hiện trở lại Lệnh hạn chế di chuyển (MCO) từ ngày 16-29/4. Trong thời gian áp đặt MCO, giữa các quận thuộc Kelantan và ranh giới Kelantan với các bang khác sẽ được thiết lập chướng ngại vật, tất cả các hoạt động kinh tế thương mại đều phải được cấp phép mới được vận hành.

Để phòng chống đại dịch COVID-19, Malaysia đã hai lần thực hiện lệnh phong tỏa, gồm MCO 1.0 trong phạm vi cả nước từ ngày 18/3-3/5/2020 và MCO 2.0 tại hầu hết các bang từ ngày 13/1-18/2/2021. Hiện nay, một số địa phương ở Malaysia thực hiện Lệnh Hạn chế di chuyển có điều kiện (CMCO) còn lại là Lệnh Hạn chế di chuyển cho giai đoạn phục hồi (RMCO).

Chú thích ảnh
Các nhân viên y tế chờ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 23/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Còn chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) thông báo sẽ mở rộng phạm vi tiêm vaccine ngừa COVID-19 sang nhóm đối tượng từ 16-29 tuổi. Việc mở rộng đối tượng tiêm vaccine COVID-19 sẽ giúp tăng số người đủ điều kiện tiêm phòng ở vùng lãnh thổ này lên 6,5 triệu người. Hong Kong đã bắt đầu chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 bằng vaccine của hãng Sinovac (Trung Quốc) vào tháng 2 và bắt đầu đề nghị tiêm vaccine của hãng BioNTech vào tháng 3. Người dân ở vùng lãnh thổ này từ 18 tuổi trở lên có thể lựa chọn tiêm một trong hai loại vaccine trên, trong khi nhóm đối tượng trong độ tuổi 16-17 chỉ có thể tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech.

Trong khi đó, Indonesia thông báo đặt mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 70 triệu người cho đến tháng 7 tới. Chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 của Indonesia đang bước vào giai đoạn hai, hướng đến các nhóm đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm, công chức-viên chức, người già và tiểu thương tại các khu chợ. Theo giới chức Indonesia, hiện nước này đứng thứ 9 thế giới về lượng vaccine đã được tiêm chủng cho người dân, và đứng thứ 4 trong nhóm các nước không sản xuất vaccine ngừa COVID-19.

Minh Châu (TTXVN)
Nghiên cứu về mối liên hệ giữa không khí ô nhiễm và tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Mỹ
Nghiên cứu về mối liên hệ giữa không khí ô nhiễm và tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Mỹ

Một nghiên cứu của Đại học California, Los Angeles (UCLA, Mỹ), chỉ ra những khu dân cư có chất lượng không khí kém tại hạt Los Angeles cũng là những nơi có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN