Dịch COVID-19 tại ASEAN hết 12/10: Toàn khối trên 788.000 ca bệnh; Singapore có ca tử vong sau nhiều tháng

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 12/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 8.745 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 19.200 người.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 21/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN có 5 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Singapore, Malaysia và Myanmar. Philippines vẫn dẫn đầu các nước thành viên hiệp hội về tổng số ca mắc bệnh. Singapore có ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 sau nhiều tháng.

Indonesia là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca tử vong mới cao nhất khu vực. Indonesia tới hết ngày 12/10 cũng dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và bỏ xa các quốc gia khác.

Malaysia tình hình đáng quan ngại hơn, nguy cơ làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi ghi nhận trên 350 ca bệnh phát sinh và 6 ca tử vong sau nhiều ngày bình yên.

Myanmar dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên này hiện rất đáng quan ngại với 1.340 ca bệnh mới và 18 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia ngày 22/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 19.215 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 123 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 788.178 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 635.631 trường hợp.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Cùng ngày, Brunei, Campuchia và Lào là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 12/10.

Số liệu dịch COVID-19 tại khu vực ASEAN ngày 12/10:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Philippines 342.816 +3.564 6.332 +11 293.152
Indonesia 336.716 +3.267 11.935 +91 258.519
Singapore 57.880 +4 28 +1 57.728
Myanmar 29.314 +1.340 664 +18 10.260
Malaysia 16.220 +563 159 +2 11.022
Thái Lan 3.641 +5 59   3.454
Việt Nam 1.110 +1 35   1.025
Campuchia 283       278
Brunei 146   3   143
Timor-Leste 29 +1     28
Lào 23       22
Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Singapore ngày 25/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Singapore, nước này ngày 12/10 đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì virus SARS-CoV-2 sau nhiều tháng. Tuy nhiên, về cơ bản, đảo quốc sư tử vẫn kiểm soát khá tốt tình hình dịch bệnh.

Bộ Y tế Singapore cho biết trong ngày 12/10, nước này đã ghi nhận thêm 4 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 57.880 ca. Đây là số ca nhiễm mới tính theo ngày thấp nhất trong hơn 7 tháng qua tại Singapore kể từ ngày 4/3, khi có 2 ca nhiễm mới được ghi nhận.

Các ca nhiễm mới gồm 1 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 2 ca nhập cảnh và 1 ca trong khu lao động nước ngoài. Hai ca nhập cảnh đã được cách ly tại nhà ngay khi nhập cảnh. Đến nay, Singapore đã xác nhận tổng cộng 57.705 bệnh nhân COVID-19 phục hồi và 27 ca tử vong.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Singapore ngày 25/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Ngày 12/10, Singapore và Indonesia đã nhất trí mở lại biên giới với nhau cho các hoạt động đi lại phục vụ nhu cầu kinh doanh thiết yếu cũng như công vụ, sau vài tháng phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.     

Trong một tuyên bố chung, Bộ Ngoại giao hai nước cho biết những người đáp ứng các yêu cầu sẽ phải xét nghiệm trước và sau khi nhập cảnh.

Chú thích ảnh
 Nhân viên phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Indonesia, thủ đô Jakarta sẽ dần nới lỏng các hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) trong 2 tuần bắt đầu từ ngày 12/10 trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 tăng chậm hơn kể từ khi tái áp đặt PSBB vào ngày 14/9 vừa qua.

Tính đến ngày 12/10, Jakarta với khoảng 11 triệu dân ghi nhận tổng cộng 87.006 ca mắc COVID-19, trong đó 1.901 ca tử vong, chiếm một phần lớn trong tổng số 336.716 ca dương tính và 11.935 ca tử vong trên toàn quốc.

Thông cáo của chính quyền địa phương cho hay văn phòng trong các lĩnh vực kinh doanh thiết yếu có thể hoạt động với công suất “phù hợp với nhu cầu”, trong khi văn phòng trong các lĩnh vực kinh doanh không thiết yếu sẽ được phép hoạt động ở mức 50% công suất.

Ngoài ra, nhà hàng, quán cà phê có thể phục vụ khách ăn uống tại chỗ song chỉ được hoạt động 50% công suất; các cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh du lịch thậm chí có thể tổ chức biểu diễn nhạc sống. Các công viên giải trí và các điểm du lịch được phép hoạt động ở mức 25% công suất.

Các phòng tập thể dục có thể mở cửa trở lại với giới hạn 25% công suất, trong khi các cơ sở thể thao trong nhà và ngoài trời khác có thể mở cửa với 50% công suất. Các hoạt động trong nhà như hội thảo, chiếu phim và tiệc cưới được phép hoạt động với 25% sức chứa tối đa.

Chú thích ảnh
 Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào đầu tháng 11 tới trong bối cảnh nước này đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng y tế có thể dẫn đến suy thoái lần đầu tiên trong hơn hai thập kỷ qua.

Bộ điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư cho biết 100.000 liều vaccine sẽ được CanSino Biologics - công ty Trung Quốc đầu tiên tiến hành thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người - cung cấp cho Indonesia trong tháng 11 tới.

Dự kiến, một tháng sau đó, công ty khác của Trung Quốc là Sinovac Biotech sẽ cung ứng cho quốc gia Đông Nam Á này 3 triệu liều vaccine. Sinovac Biotech tháng 4 vừa qua đã nhất trí hợp tác với hãng dược phẩm quốc doanh Bio Farma của Indonesia để sản xuất vaccine ngừa COVID-19 (dự kiến từ tháng 11 tới), với công suất tối đa ước đạt 250 triệu liều mỗi năm.

Ngoài ra,  kể từ đầu tháng 11 tới, Indonesia cũng sẽ tiếp nhận 5 triệu liều vaccine khác nhờ sự hợp tác giữa công ty dược phẩm nhà nước Trung Quốc Sinopharm và công ty công nghệ G42 của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Chú thích ảnh
 Đo thân nhiệt cho khách thăm quan phòng lây nhiễm COVID-19 tại một ngôi đền ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Về tình hình dịch COVID-19 ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này ngày 12/10 đã ghi nhận thêm 5 ca nhiễm mới gồm 3 người tại khu cách ly và 2 người tại điểm sàng lọc ở sân bay quốc tế Suvarnabhumi, nâng tổng số bệnh nhân lên thành 3.641 người, trong đó có 59 ca tử vong.

An ninh tại các cửa khẩu biên giới ở 10 tỉnh của Thái Lan sẽ được thắt chặt hơn sau khi 3 công dân Myanmar đến Thái Lan qua huyện Mae Sot của tỉnh Tak có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan cho biết các tỉnh biên giới sẽ được thắt chặt an ninh bao gồm Kanchanaburi, Chumphon, Chiang Rai, Chiang Mai, Tak, Prachuap Khiri Khan, Phetchaburi, Mae Hong Son, Ranong và Ratchaburi.

Thư ký thường trực Bộ Nội vụ Thái Lan Chatchai Phromlert đã giao nhiệm vụ cho các tỉnh trưởng và quận trưởng giám sát chặt chẽ tình hình. Ngoài ra, các cuộc tuần tra dọc theo biên giới cũng đã được tăng cường để ngăn chặn người nhập cảnh bất hợp pháp từ Myanmar, nơi số ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng.

Chú thích ảnh
 Một khách sạn được sử dụng làm nơi cách ly cho những người từ nước ngoài trở về nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan, ngày 28/9/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế công cộng Thái Lan và Công ty Sinh học Siam Bioscience Thái Lan đã nhất trí sản xuất và phân phối vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca tại nước này.

Công ty dược phẩm và dược phẩm sinh học đa quốc gia AstraZeneca của Anh và Thụy Điển có trụ sở chính tại Cambridge (Anh).

Tại Malaysia, trong bối cảnh nước này đang chật vật đối phó với đợt dịch bệnh tái bùng phát, Bộ trưởng Quốc phòng Ismail Sabri Yaakob thông báo từ ngày 14/10 - 27/10, Malaysia sẽ áp đặt một số hạn chế di chuyển tại thành phố Kuala Lumpur và bang Selangor lân cận.

Theo ông Yaakob, chính phủ sẽ hạn chế nhiều hoạt động từ đi học, đi đến các điểm thờ cúng cho đến chơi thể thao. Tuy nhiên, tất cả các hoạt động kinh tế tại Selangor, các vùng Kuala Lumpur và Putrajaya sẽ được phép diễn ra như bình thường. Dự kiến, chính phủ cũng sẽ mở rộng các biện pháp hạn chế sang toàn bộ bang Sabah.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 7/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Các trường hợp là nhân viên, người làm công được phép đi lại với điều kiện phải có giấy giới thiệu của chủ doanh nghiệp. Đối với các hộ gia đình, mỗi hộ chỉ được phép 2 người ra khỏi nhà để mua nhu yếu phẩm.

Trong khi đó, tất cả các cơ sở giáo dục từ nhà trẻ cho đến sau đại học, các nhà thờ, các trung tâm vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao đều sẽ bị đóng cửa. Các siêu thị, nhà hàng, chợ dân sinh sẽ bị hạn chế thời gian mở cửa. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế vẫn được phép diễn ra như bình thường.

Hội đồng An ninh Malaysia đưa ra quyết định trên sau khi nước này ghi nhận mỗi ngày hàng trăm ca mắc mới COVID-19 trong suốt gần một tuần qua. Riêng trong ngày 12/10, số ca mắc mới là 563, đưa tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này lên thành 16.220. Trong số đó, đã có 159 người tử vong, 11.022 trường hợp khỏi bệnh và hiện còn 5.039 trường hợp đang phải điều trị.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Indonesia nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung vaccine ngừa COVID-19
Indonesia nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung vaccine ngừa COVID-19

Ngày 12/10, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước (SOE) Erick Thohir đã lên đường thăm chính thức Vương quốc Anh và Thụy Sỹ nhằm đa dạng thêm các nguồn cung ứng vắc-xin ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau khi Chính phủ Indonesia hoàn tất thỏa thuận với các nhà sản xuất Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN