Số ca tử vong tại Mỹ lên tới 99.883 người. Ngoài ra, Mỹ tiếp tục đứng đầu thế giới về số ca nhiễm với 1.709.243 người.
Xếp sau Mỹ về số ca nhiễm là Brazil với 376.669 ca nhiễm và 23.522 ca tử vong, Nga với 362.342 ca nhiễm song tỉ lệ tử vong khá thấp với 3.807 ca, Tây Ban Nha với 282.480 ca nhiễm và 26.834 ca tử vong, và Anh với 265.227 ca nhiễm và 46.000 ca tử vong.
Số liệu thống kê của Tây Ban Nha và Anh được điều chỉnh trong bối cảnh các nước châu Âu đều đang nỗ lực thống kê lại số ca tử vong do COVID-19.
Mỹ và Canada đang chạy đua để điều chế vaccine phòng SARS-CoV-2. Tổ chức nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và vaccine - Trung tâm Vaccine quốc tế (VIDO-InterVac) thuộc Đại học Saskatchewan của Canada thông báo vaccine phòng virus SARS-CoV-2 của cơ sở này đã đạt được những kết quả khả quan khi thử nghiệm trên động vật. Thành công bước đầu này sẽ đặt nền móng để vaccine trên sớm được thử nghiệm trên người.
Trong khi đó, Novavax, một công ty công nghệ sinh học Mỹ, đang bắt đầu thử nghiệm vaccine phòng virus SARS-CoV-2 trên người ở Australia với hy vọng sẽ bào chế được một loại vaccine hiệu quả trong năm nay. Công ty Novavax đã khởi động giai đoạn thử nghiệm đầu tiên với sự tham gia của 131 tình nguyện viên ở hai thành phố Melbourne và Brisbane để thử nghiệm độ an toàn cũng như hiệu quả của vaccine.
Tại châu Âu, một số nước tiếp tục ghi nhận diễn biến dịch bệnh theo chiều hướng tích cực. Thủ tướng Montenegro Dusko Markovic tuyên bố nước này đã khống chế thành công dịch COVID-19 khi trong 20 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới và cũng chỉ 69 ngày sau khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên.
Bộ Y tế Ba Lan khẳng định nước này đã qua đỉnh dịch khi số ca mắc mới tăng chậm lại và không còn bùng nổ như thời gian trước. Đến nay, Ba Lan ghi nhận tổng cộng 21.631 ca mắc bệnh và 1.007 ca tử vong.
Thủ tướng CH Séc Andrej Babis tuyên bố quốc gia này và Slovakia sẽ mở lại biên giới trong tuần này, cho phép người dân hai bên qua lại tối đa trong 48 giờ, bắt đầu từ ngày 27/5, mà không phải tiến hành xét nghiệm hay cách ly. CH Séc cũng mở cửa biên giới với Áo và Đức từ ngày 26/5 nhưng yêu cầu người nhập cảnh cung cấp chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2.
Luxembourg cũng thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế từ ngày 27/5, cho phép các quán cà phê và nhà hàng mở cửa trở lại, các hoạt động kỷ niệm và nghi lễ tôn giáo cũng sẽ được tiến hành với các điều kiện nghiêm ngặt.
Trong khi đó, một số quốc gia Đông Âu khác vẫn đang “căng mình” chống dịch. Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của LB Nga cập nhật số liệu cho thấy tính đến sáng 26/5 nước này ghi nhận thêm 8.915 ca nhiễm, nâng tổng số lên 362.342 người (tăng 2,5%). Trong số các ca mới, 3.668 ca (tương đương 41,1%) không có biểu hiện lâm sàng. Trong vòng 24 giờ có thêm 12.331 bệnh nhân hồi phục, nâng tổng số người khỏi bệnh được xuất viện lên 131.129 người; đồng thời có thêm 174 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong lên 3.807.
Bộ Y tế Ukraine cho biết tính đến 9h00 sáng 26/5 (theo giờ địa phương), nước này ghi nhận thêm 339 ca mới, đưa tổng số lên 21.584 ca. Trong vòng 24 giờ, Ukraine có 341 bệnh nhân bình phục, nâng tổng số ca xuất viện lên 7.575 và 21 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 644 ca.
Bộ Y tế Belarus cho biết tính đến hết ngày 25/5, nước này ghi nhận 37.144 ca nhiễm. Như vậy, so với 1 ngày trước đó, Belarus có thêm 946 ca mới, 294 ca được chữa khỏi (nâng tổng số ca khỏi bệnh lên 14.449), 5 ca tử vong (nâng tổng số ca tử vong lên 204).
Tại châu Á, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo thêm 7 ca mới tại Trung Quốc đại lục, đều là người từ nước ngoài nhập cảnh. Theo đó, tổng số ca nhiễm nhập cảnh đến nay là 1.731 ca. NHC nêu rõ không có lây nhiễm trong cộng đồng và không có ca tử vong mới. Trong khi đó, thêm 9 bệnh nhân bình phục và được xuất viện, hiện chỉ còn 81 bệnh nhân đang được điều trị. Đến nay, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 82.992 ca nhiễm và 4.634 ca tử vong.
Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong 11 ngày liên tiếp. Mọi trường hợp nhập cảnh Hong Kong đều không được phép vào thành phố cho đến khi có kết quả xét nghiệm và những người có kết quả dương tính đều bị cách ly ngay lập tức. Chính quyền Hong Kong thông báo sẽ nối lại một phần các dịch vụ quá cảnh tại sân bay quốc tế từ ngày 1/6 tới sau khi phải ngừng từ ngày 25/3.
Trong khi đó, nội các Thái Lan quyết định kéo dài Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp cho tới cuối tháng 6 theo đề xuất của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC). Theo kế hoạch, một ủy ban do Tổng thư ký NSC Somsak Rungsita chủ trì sẽ họp vào ngày 27/5 để thảo luận về giai đoạn 3 nới lỏng các biện pháp phong tỏa cũng như xem xét khả năng giảm thời gian giới nghiêm thêm 1 tiếng, từ nửa đêm tới 4h sáng hôm sau, thay vì từ 23h như hiện nay.
Tại Trung Đông, các nhà hàng, quán cà phê ở Iran đã được phép mở cửa trở lại từ ngày 26/5 sau hơn 2 tháng đóng cửa do dịch COVID-19.
Cũng trong ngày, nhà thờ Giáng sinh ở thành phố Bethlehem ở khu Bờ Tây mở đón khách tham quan sau gần 3 tháng đóng cửa do đại dịch.
Bộ Nội vụ Saudi Arabia có kế hoạch dỡ bỏ lệnh giới nghiêm trên toàn quốc do đại dịch từ ngày 21/6, ngoại trừ thánh địa Mecca.
Trong ngày, hơn 200 tổ chức y tế đại diện cho 40 triệu người làm việc trong ngành y tế trên toàn thế giới đã gửi thư ngỏ tới lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), trong đó kêu gọi xây dựng kế hoạch "phục hồi xanh và lành mạnh" trong bối cảnh các nước trên thế giới đang đổ hàng nghìn tỷ USD khôi phục kinh tế thời hậu COVID-19.
Nội dung bức thư đề cập tới việc G20 vốn chiếm 90% Tổng sản phẩm GDP toàn cầu nên ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực y tế cộng đồng, nước sạch và không khí trong lành cùng một khí hậu ổn định nhằm tăng "sức đề kháng" trước các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai.
Bức thư nhận đã nhận được sự ủng hộ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Sức khỏe và Khí hậu Toàn cầu.