Mỹ đang là tâm dịch của thế giới với 1.591.575 ca nhiễm và 94.960 ca tử vong. Tiếp đến là là Nga với 308.705 ca nhiễm và 2.972 ca tử vong, Brazil với 293.357 ca nhiễm và 18.894 ca tử vong, Tây Ban Nha với 279.524 ca nhiễm và 27.888 ca tử vong, và Anh với 248.293 ca nhiễm và 35.704 ca tử vong.
Ngày 20/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 20/5 cho biết trong vòng 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 106.000 ca nhiễm mới, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát.
Tại châu Mỹ, Bộ Y tế Peru thông báo số ca mắc COVID-19 tại đây đã lên đến 104.020 người, trong đó có 3.024 ca tử vong, tăng tương ứng 4.537 ca bệnh và 110 ca tử vong trong 24 giờ qua. Như vậy, Peru đã trở thành vùng dịch lớn thứ hai ở khu vực Mỹ Latinh sau Brazil.
Tại Mexico, Bộ Y tế thông báo số ca tử vong do COVID-19 đã lên đến 6.090 người, tăng 424 ca trong vòng 24 giờ qua, tổng số ca bệnh là 56.594 người và 31.866 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh.
Chính quyền thủ đô Mexico City, một trong những tâm điểm dịch, quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp y tế và giãn cách xã hội tới ngày 15/6, đồng thời dự kiến quay trở lại tình trạng bình thường mới vào trung tuần tháng 8.
Tại khu vực Trung Mỹ, số ca mắc bệnh tại Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala, El Salvador và Nicaragua đã lên đến 17.787 người, trong đó có 535 ca tử vong.
Tại Colombia, ngày 20/5, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Colombia Ángela María Orozco thông báo nước này sẽ giữ nguyên lệnh cấm các chuyến bay quốc tế và đóng cửa biên giới ít nhất cho đến ngày 31/8. Tính đến ngày 20/5, Colombia đã ghi nhận 16.935 ca mắc COVID-19, trong đó có 613 ca tử vong.
Tại châu Âu, Italy tuyên bố toàn bộ các sân bay ở quốc gia Nam Âu này có thể mở cửa trở lại kể từ ngày 3/6 tới. Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết nước này sẽ nối lại các chuyến bay quốc tế vào ngày 1/7 sau khi tái khởi động mùa du lịch vào ngày 15/6 tới, nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh lệnh phong tỏa do dịch COVID-19 đã kết thúc.
Slovenia và Hungary cũng đã bắt đầu thực hiện kế hoạch giảm dần các hạn chế với mục tiêu thông cửa khẩu biên giới vào ngày 1/6.
Tại Bỉ, Cơ quan Quản lý thuốc và các chế phẩm y tế Bỉ (AFMPS) đã cho phép khởi động một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên khoảng 50 bệnh nhân. Loại thuốc được đưa ra thử nghiệm với mục đích ngăn chặn chứng suy hô hấp.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Y tế Fahrettin Koca cho rằng nguy cơ về một đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ hai ở nước này hiện ở mức thấp, đồng thời khẳng định chính quyền Ankara đang chuẩn bị mở dịch vụ du lịch y tế giống như nhiều nước khác trên thế giới.
Tại châu Phi, Bộ Y tế Nam Phi thông báo nước này nghi nhận thêm 803 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 18.003 ca, trong đó có 339 ca tử vong. Đáng chú ý, trong số 27 ca tử vong mới được ghi nhận, có trường hợp một trẻ sơ sinh mới hai ngày tuổi. Đây cũng là ca tử vong nhỏ tuổi nhất do nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này.
Trong khi đó, ngày 20/5, Ai Cập ghi nhận thêm 745 ca nhiễm SARS-CoV-2, đánh dấu mức tăng cao nhất trong ngày tại nước này kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên hồi giữa tháng Hai vừa qua. Tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Bắc Phi này hiện là 14.229 người và số trường hợp tử vong là 680 ca (tăng 21 ca).