Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 21/5 (giờ Việt Nam), toàn cầu ghi nhận 5.126.543 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 330.853 người tử vong. Ngoài ra, thế giới cũng có 2.044.049 bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh và xuất viện.
Với 1.596.838 ca nhiễm và 95.058 ca tử vong, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh này, nhưng nhiều bang ở nước này như California hay Florida đã lên kế hoạch mở cửa trở lại theo từng giai đoạn, sau thời gian phong tỏa do dịch COVID-19.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông chỉ nên mở cửa trở lại sau khi số ca mắc COVID-19 trong ngày ở Mỹ liên tiếp giảm. Kể cả sau khi đón học sinh đi học trở lại, các trường vẫn cần tăng cường thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội như đóng cửa nhà ăn, sân chơi và chỉ phục vụ ăn bán trú trong lớp học. Theo CDC, sau khi số ca nhiễm mới giảm xuống mức gần bằng 0, các trường học có thể nới lỏng các hạn chế, chẳng hạn như bố trí giờ tan học xen kẽ để đảm bảo giãn cách.
Tại khu vực Mỹ Latinh, Brazil đang là ổ dịch lớn nhất với 294.152 trường hợp mắc COVID-19 và 19.083 ca tử vong.
Với 170.032 ca tử vong trong tổng số 1.957.819 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, châu Âu hiện là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19 trên toàn thế giới. Anh là quốc gia có số ca tử vong cao nhất, với 36.042 ca, tiếp theo là Italy, với 32.330 ca, Pháp với 28.132 và Tây Ban Nha là 27.888 ca. Nga là quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao thứ hai thế giới (317.554 người), mặc dù số ca tử vong ở quốc gia châu Âu này vẫn thấp hơn so với nhiều nước khác (3.099 người).
Còn tại châu Á, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 21/5 đã tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vì đại dịch COVID-19 ở 3 tỉnh thuộc khu vực Kansai, gồm Osaka, Kyoto và Hyogo. Ông cũng cho biết tình trạng khẩn cấp tại khu vực thủ đô Tokyo và tỉnh Hokkaido ở cực Bắc có thể dỡ bỏ sớm nhất vào ngày 25/5 tới. Lệnh tình trạng khẩn cấp hiện nay có hiệu lực tới ngày 31/5. Một trong những tiêu chí quan trọng mà Chính phủ Nhật Bản đưa ra để dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở một địa phương đó là tỷ lệ số ca nhiễm mới trên 100.000 người dân tại đó phải bằng hoặc thấp hơn 0,5 trong 7 ngày liên tiếp. Cho đến thời điểm này, ba tỉnh Osaka, Kyoto và Hyogo đều đã đáp ứng được tiêu chí trên.
Hiện số ca mắc COVID-19 mới ở Tokyo và các tỉnh lân cận đang có xu hướng giảm. Riêng tại thủ đô Tokyo ngày 20/5 chỉ ghi nhận thêm 5 ca mới. Đây là ngày thứ 11 liên tiếp, số ca nhiễm mới ở thành phố này nằm dưới ngưỡng 30. Tuy nhiên, Tokyo hiện là địa phương có số người mắc COVID-19 nhiều nhất ở Nhật Bản với 5.075 ca, không kể các công dân Nhật Bản hồi hương từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), cũng như các du khách nhiễm bệnh trên du thuyền Diamond Princess, trong đó vẫn còn 887 người đang được chữa trị. Riêng đối với tỉnh Hokkaido, chính phủ đang theo dõi một cách thận trọng tình hình dịch bệnh ở tỉnh cực Bắc này, nơi vẫn phát hiện một số ca nhiễm mới. Tính đến nay, Nhật Bản đã ghi nhận hơn 16.300 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có hơn 770 người tử vong.
Bộ Y tế Indonesia ngày 21/5 thông báo số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này đã tăng thêm 973 ca. Đây là ngày có số người mắc COVID-19 mới cao nhất từ trước tới nay. Số người mắc COVID-19 trong 24 giờ qua tại Indonesia tăng cao là do số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Đông Java tăng đột biến, với 502 ca nhiễm mới trong ngày, vượt số ca mắc ở Jakarta - tâm dịch của nước này.
Trong khi đó, các cơ quan an ninh của Thái Lan đã nhất trí kiến nghị kéo dài Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp cho tới hết tháng 6 do tình hình đại dịch COVID-19 toàn cầu vẫn đáng lo ngại. Kiến nghị này sẽ được trình lên Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) xem xét. Nếu CCSA đồng ý thì đề xuất này sẽ được trình lên cuộc họp Nội các vào tuần tới để ra quyết định. Hiện Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.037 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 56 trường hợp tử vong.
Kể từ ngày 2/6, Singapore sẽ cho phép du khách được quá cảnh sân bay Changi, sau khi nước này chấm dứt thực hiện các biện pháp phong tỏa để đối phó dịch COVID-19. Hiện các hành khách nước ngoài chỉ được quá cảnh Singapore khi họ trên các chuyến bay do các chính phủ tổ chức để đưa công dân về nước. Đây là một phần trong chiến lược tích cực mở cửa trở lại ngành vận tải hàng không nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và người dân Singapore.
Cũng trong ngày 21/5, Lào đã cho phép nối lại vận tải nội địa, song yêu cầu thực thi nghiêm các biện pháp phòng, chống đại dịch, trong đó có việc kiểm tra thân nhiệt, và sắp xếp chỗ ngồi nhằm đảm bảo các hành khách ngồi cách nhau ít nhất 1 mét. Các doanh nghiệp vận tải sẽ phải cung cấp, xà phòng, nước rửa tay khô cho khách hàng. Tính đến nay, Lào đã xét nghiệm tổng cộng 4.812 ca nghi ngờ mắc COVID-19, trong đó có 19 người dương tính với SARS-CoV-2. Hiện 14 người đã khỏi bệnh.
Tối 21/5, Bộ Y tế Campuchia thông báo đã phát hiện 1 trường hợp nhiễm COVID-19 mới là một nam công dân Campuchia từ Philippines trở về, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này lên 123 trường hợp.
Theo thông tin của Bộ Y tế Campuchia, trường hợp nhiễm COVID thứ 123 được phát hiện là nam công dân Campuchia 26 tuổi sống sống tại xã Kampong Trach, huyện Kampong Trach, tỉnh Kampot. Ca nhiễm thứ 123 trở về Campuchia từ Philippines quá cảnh Hàn Quốc lúc 22h ngày 20/5/2020.
Toàn bộ hành khách trên chuyến bay có 63 (14 nữ, 49 nam) người gồm các quốc tịch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Bỉ, Hà Lan và Campuchia đã được cách ly, và lấy mẫu xét nghiệm để kiểm tra y tế theo đúng quy định của Bộ Y tế Campuchia. Hiện nay, 62 hành khách trên chuyến bay từ Philippines đã được đưa đi cách ly 14 ngày tại một khách sạn ở Phnom Penh. Riêng trường hợp bệnh nhân thứ 123 người Campuchia được đưa đi điều trị tại Bệnh viện Khmer - Soviet tại thủ đô Phnom Penh.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ quan ngại về số lượng các ca mắc COVID-19 gia tăng tại các nước nghèo, trong bối cảnh nhiều nước giàu đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa.
WHO cho biết trong vòng 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 106.000 ca nhiễm mới, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh rằng vẫn còn một chặng đường dài phía trước trong đợt đại dịch này, đồng thời bày tỏ rất quan ngại về sự gia tăng số ca nhiễm ở những nước có thu nhập thấp và trung bình.