Dịch COVID-19: Giải đua xe F1 hủy các chặng đua ở Bắc Mỹ

Ngày 24/7, ban tổ chức Giải đua xe Công thức 1 (F1) cho biết các giải đua ở Mỹ, Mexico, Brazil và Canada sẽ bị hủy lịch đấu năm 2020 do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên, F1 đã bổ sung 3 chặng đua ở châu Âu vào mùa giải năm nay.

Chú thích ảnh
Xe đua tham gia Giải đua xe công thức 1 (F1) Grand Prix tại Spielberg, miền trung nước Áo, ngày 1/7/2018. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN

Theo thông báo, năm 2020 đánh dấu lần đầu tiên giải F1 khởi động tại đường đua Portimao ở Bồ Đào Nha, cũng như sự trở lại của giải đua chặng Nurburgring ở Đức và chặng Imola ở Italy. Cụ thể, Giải đua xe F1 ở Nurburgring sẽ diễn ra ngày 11/10 sau 7 năm vắng bóng, tiếp đến là giải đua ở Portimao ngày 25/10, và giải F1 ở Imola ngày 1/11.

Trước đó, giải đua ở Austin, Texas (Mỹ) đã bị lùi thời điểm tổ chức sang ngày 23/10, giải đua ở Mexico Ciry (Mexico) diễn ra sau đó một tuần và giải đua ở Brazil diễn ra ngày 13/11. Tuy nhiên, ban tổ chức F1 đã quyết định hủy các chặng đua này do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại các nước này.

Cũng như nhiều sự kiện thể thao khác, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Giải đua xe F1 đã phải tạm hoãn chỉ vài giờ trước khi khai mạc giải đua ở Melbourn (Australia) hồi tháng 3 vừa qua. Đây là giải đua mở màn mùa thi đấu F1 năm nay. Tuy nhiên, trong tháng này, F1 đã khởi động 2 chặng đua ở Áo và sau đó là chặng đua ở Hungary cuối tuần trước. Hai giải đua tiếp theo sẽ diễn ra ở Silverstone (Anh) vào ngày 31/7 và 7/8. Tất cả các sự kiện đến nay đều không có khán giả.

Theo ban tổ chức F1, sẽ có khoảng 15 đến 18 chặng đua trong mùa giải năm nay và dự kiến mùa giải sẽ kết thúc vào tháng 12/2020.

Cùng ngày, chính quyền thành phố Sao Paolo - thành phố lớn nhất Brazil với 12 triệu dân, thông báo hoãn lễ hội đường phố carnival năm tới. 

Phát biểu họp báo, Thị trưởng thành phố Sao Paolo - ông Bruno Covas, cho biết việc tổ chức lễ hội carnival vào tháng 2/2021 là không khả thi. Ông Covas không nêu rõ thời điểm dời sự kiện này, nhưng cho biết có thể là cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 7 năm sau. 

Chính quyền thành phố Rio de Janeiro, thành phố đăng cai lễ hội carnival lớn nhất Brazil và một trong những lễ hội nổi tiếng nhất trên thế giới, cũng đang cân nhắc quyết định tương tự. Lễ hội carnival ở Sao Paolo, mặc dù ít được biết đến hơn, nhưng vẫn thu hút hàng chục nghìn người tham gia trong những năm gần đây.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Sao Paolo, Brazil. Ảnh: THX/TTXVN

Hiện Brazil ghi nhận số ca mắc COVID-19 và tử vong cao thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ, với hơn 2,3 triệu ca bệnh và 85.000 ca tử vong. Bang Sao Paolo là tâm dịch của Brazil, chiếm gần 25% số ca tử vong ở nước này. Tình hình dịch bệnh tại thành phố Rio de Janeiro diễn biến phức tạp và nghiêm trọng.

Tại Peru, giới chức nước này đã quyết định hủy kế hoạch mở cửa trở lại thánh địa Machu Picchu vào ngày 24/7 tới, đúng dịp kỷ niệm 109 năm ngày phát hiện ra "Thành phố đã mất của người Inca" (24/7/1911). Thánh địa Machu Picchu đóng cửa hồi giữa tháng 3 vừa qua do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. 

Nằm trên một hẻm đá hiểm trở ở độ cao 2.500 mét so với mặt nước biển, thành phố Machu Picchu được xây dựng từ hơn 500 năm trước là biểu tượng vĩ đại nhất của đế chế Inca. Hầu hết các nhà khảo cổ học hiện nay tin rằng đây là kinh thành được xây dựng dưới thời vị vua Inca đầu tiên. Sau khi đế chế Inca sụp đổ, Machu Picchu cũng bị lãng quên cho đến khi nhà thám hiểm người Mỹ Hiram Bingham tình cờ phát hiện năm 1911.

Machu Picchu đã được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc  (UNESCO) công nhận là di sản thế giới vào năm 1983 và được cộng đồng quốc tế bình chọn là một trong 7 kỳ quan thế giới trong năm 2007. Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, "Thành phố đã mất của người Inca" đón khoảng 3.000-5.000 lượt khách thăm quan mỗi ngày.

Peru là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 ở Mỹ Latinh, với hơn 370.000 ca mắc và 17.000 ca tử vong.

Phan An  (TTXVN)
Cuộc chạy đua của vắc xin COVID-19 'made in Vietnam'
Cuộc chạy đua của vắc xin COVID-19 'made in Vietnam'

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang trong cuộc chạy đua để nghiên cứu sản xuất và làm chủ nguồn cung cấp vắc xin phòng COVID-19. Đây được coi là giải pháp hiệu quả nhất để thực sự đẩy lùi dịch bệnh này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN