Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, hai địa phương duy nhất vẫn buộc phải duy trì các biện pháp cách ly và phòng chống dịch là thủ đô La Habana và tỉnh lân cận Matanzas. Đây là 2 địa phương vẫn ghi nhận các ca nhiễm COVID-19 trong thời gian qua, trong khi các tỉnh còn lại đã trải qua ít nhất 1 tuần không ghi nhận ca lây nhiễm nào.
Trong giai đoạn đầu quá trình khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội, Cuba đã cho phép mở cửa trở lại một số hàng quán, dịch vụ dân sinh, giao thông công cộng, tuy nhiên vẫn hạn chế tối đa tụ tập đông người và người dân vẫn buộc phải sử dụng khẩu trang khi ra đường. Dự kiến trong thời gian tới, Cuba sẽ mở lại một số dịch vụ du lịch nội địa, tiếp đó là một số dịch vụ du lịch quốc tế tại các cù lao vốn có đặc điểm biệt lập hầu như hoàn toàn với các khu dân cư. Chính phủ Cuba và các chính quyền địa phương cũng xem xét từng bước nối lại hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, trong khi học sinh các cấp phổ thông trên toàn quốc sẽ nghỉ tới tháng 9 tới để tiếp tục chương trình học còn dang dở.
Tính tới ngày 19/6, Cuba đã ghi nhận 2.305 ca mắc COVID-19, trong đó có 85 người tử vong, 2.037 người đã khỏi bệnh và chỉ còn 139 người vẫn đang được theo dõi điều trị. Dù đã bắt đầu quá trình mở cửa trở lại và là một trong những nước phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả nhất tại khu vực Mỹ Latinh, Chính phủ Cuba vẫn liên tục khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp phòng ngừa, cũng như cảnh báo nguy cơ về làn sóng lây nhiễm thứ hai.
* Ngày 19/6, Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei đã công bố quyết định thay thế Bộ trưởng Y tế nước này Hugo Monroy, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 cẫn diễn biến phức tạp với các ca mắc liên tục gia tăng.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, Tổng thống Giammattei thông báo người thay thế vị trí của ông Monroy là tiến sĩ Maria Amelia Flores Gonzalez, chuyên gia trong ngành virus học. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Guatemala cũng bổ nhiệm một số vị trí lãnh đạo mới trong các vị trí chủ chốt của ngành y tế như Thứ trưởng Vụ Chăm sóc Sức khỏe ban đầu, Thứ trưởng phụ trách Hệ thống Bệnh viện, Thứ trưởng Kỹ thuật và Vụ trưởng Hành chính Y tế.
Việc cải tổ một loạt các vị trí lãnh đạo trong cơ quan y tế Guatemala diễn ra trong bối cảnh chính phủ nước này đang phải hứng chịu hàng loạt chỉ trích vì cách điều hành trong công tác đối phó với đại dịch. Ngoài ra, một số quan chức y tế nước này cũng bị cáo buộc tham nhũng trong các hợp đồng mua bán thuốc men và vật tư y tế phục vụ công tác chống dịch, dẫn tới việc hai Thứ trưởng kỹ thuật và hành chính bị buộc phải từ chức. Tính tới ngày 18/6, Guatemala đã ghi nhận 11.868 ca mắc COVID-19 và 449 trường hợp tử vong.
* Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Costa Rica Daniel Salas thông báo Chính phủ sẽ tạm dừng việc mở cửa trở lại nền kinh tế do sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trong những ngày gần đây. Theo ông Salas, các cửa hàng và trung tâm mua sắm, các bãi biển, nhà thờ và các hoạt động khác sẽ tiếp tục đóng, đợi tới khi số ca mắc giảm. Giải bóng đá quốc gia cũng sẽ tạm ngừng cho tới khi có thông báo tiếp theo.
Trong 24h qua, Costa Rica ghi nhận thêm 119 ca mắc, mức tăng kỳ lục, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên 2.058 ca. Đã có 12 người tử vong do dịch bệnh nguy hiểm này. Số liệu chính phủ cho thấy trong giai đoạn từ tháng 2 - tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia Trung Mỹ này đã tăng tới 15,7%, khi 100.000 việc làm bị mất. Ngân hàng trung ương Costa Rica dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay có thể giảm 3,6%.
* Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Peru (BCRP) ngày 19/6 dự báo kinh tế nước này sẽ sụt giảm 12,5% trong năm nay do tác động của dịch COVID-19. Đây là mức giảm lớn nhất trong 100 năm trở lại đây và lớn hơn rất nhiều so với mức dự báo sụt giảm từ 2,3% đưa ra hồi cuối năm ngoái.
Theo Chủ tịch BCRP Julio Velarde, dự báo kinh tế Peru sụt giảm 12,5% trong năm nay thậm chí còn mang tính “lạc quan" so với thực tế, mặc dù ông hy vọng sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế trong năm 2021 với tăng trưởng 11,5%. Trong tháng 4, nền kinh tế Peru đã giảm 40,5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tồi tệ nhất trong lịch sử. Ông Velarde cho biết xu hướng này sẽ tiếp tục với mức giảm 30% trong tháng 5 và khoảng 20% vào tháng 6.
Chủ tịch BCRP nhận định khủng hoảng COVID-19 khiến hàng triệu người mất việc làm và thu nhập, do đó, nghèo đói ở Peru sẽ tăng từ mức 20,5% của năm 2019 lên mức 27,4% trong năm nay. BCRP cũng ước tính thâm hụt tài khóa năm nay ở mức tương đương 9,7% GDP và đến năm 2021, ước tính thâm hụt tài chính là 4,4% GDP.
Để vực dậy nền kinh tế, Chính quyền của Tổng thống Martín Vizcarra đã đưa ra một gói kích thích kinh tế lịch sử tương đương với gần 17% GDP để hỗ trợ các doanh nghiệp và đảm bảo thu nhập của người dân, cũng như tài trợ cho cuộc chiến chống lại COVID-19. Theo thống kê chính thức, hiện Peru đã ghi nhận trên 244.388 ca mắc COVID-19, trong đó có 7.461 người tử vong, đứng thứ hai tại Mỹ Latinh sau Brazil.