Dịch bệnh do virus Corona: Đeo khẩu trang liệu có là cách phòng tránh thích hợp?

Các thông tin mâu thuẫn về cách bảo vệ bản thân trước virus corona đang gây hoang mang tại nhiều nước khắp thế giới. 

Chú thích ảnh
 Hành khách đeo khẩu trang đề phòng lây nhiễm virus corona tại sân bay quốc tế Changi, Singapore ngày 22/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

"Không đeo khẩu trang nếu bạn khỏe mạnh" là lời cảnh báo đăng trên trang nhất của một tờ báo hàng đầu ở Singapore số ra ngày 31/1, trong bối cảnh nhà chức trách ở nhiều nước đang nỗ lực trấn an dòng người đổ xô đi mua khẩu trang để phòng tránh virus corona chủng mới. Cùng lúc, một số chuyên gia cho rằng việc đeo khẩu trang sai cách thậm chí còn có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

Nhà chức trách Singapore, Australia và Đài Loan (Trung Quốc) khuyến cáo những người khỏe mạnh không cần đeo khẩu trang. Tuy nhiên, tại Australia, 1 triệu chiếc khẩu trang y tế đã được bán ra, trong khi khẩu trang cũng là vật bất ly thân của người dân Đài Loan. Cơ quan quản lý đường sắt Đài Loan cho biết sẽ từ chối phục vụ những hành khách không đeo khẩu trang nếu virus corona tiếp tục lây lan. Trong khi đó, chính phủ các nước Malaysia, Thái Lan... kêu gọi người dân luôn đeo khẩu trang và sử dụng dung dịch sát khuẩn tay. 

Ở một số khu vực ở châu Á, khẩu trang thường được sử dụng khi người dùng cảm thấy không khỏe hoặc để tránh bụi mịn trong không khí. Hướng dẫn chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không đề cập đến việc đeo khẩu trang như một biện pháp phòng ngừa virus, nhưng cũng không khuyến cáo không dùng khẩu trang.

Bác sĩ Angela Rasmussen, nhà virus học tại Trung tâm Nhiễm trùng và miễn dịch thuộc Đại học Columbia (Mỹ), cho rằng cần đeo khẩu trang khi ở chỗ đông người hoặc chăm sóc người ốm, và hãy đeo loại khẩu trang dùng trong phẫu thuật nếu có thể. Tuy nhiên, các chuyên gia khác cho rằng loại khẩu trang phẫu thuật dùng một lần có thể không ôm sát mặt, theo đó giảm tác dụng ngăn ngừa lây nhiễm virus. Trong khi đó, một số ý kiến khác cảnh báo việc chạm vào mặt ngoài của khẩu trang có thể làm tăng khả năng lây nhiễm.

Một số người dân Trung Quốc sống ở nước ngoài đã mua khẩu trang để gửi cho bạn bè và người thân ở Trung Quốc, nơi khẩu trang đã cháy hàng trong những ngày qua. Theo Tân Hoa xã, chỉ trong ngày 30/1, người Trung Quốc sống ở Việt Nam, Thái Lan và Malaysia đã gom mua và gửi tổng cộng 150.000 khẩu trang về quê nhà ở tỉnh Cam Túc.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong chuyến thăm Trung tâm quốc gia về các dịch bệnh truyền nhiễm ngày 31/1 nhấn mạnh: "Hãy nghe theo các chỉ dẫn của bác sĩ. Đừng để việc đeo khẩu trang tạo cho bạn cảm giác an toàn giả tạo". Chính quyền Singapore đã thông báo kế hoạch phát cho mỗi hộ gia đình 4 khẩu trang trong bối cảnh "cơn sốt" mua khẩu trang càn quét qua các hệ thống cửa hàng tại quốc gia này. Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định "không thiếu khẩu trang" nhưng nếu mọi người đều dùng mỗi cái một ngày kể cả khỏe hay không khỏe mạnh thì nguồn khẩu trang sẽ nhanh chóng cạn kiệt.

Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh: "Virus lây qua tiếp xúc. Vì thế những gì cần làm là các biện pháp phòng ngừa khác như rửa tay sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh thân thể, tự cách ly khỏi đám đông khi bạn không khỏe".

Phan An (TTXVN)
Găm hàng, ‘thổi giá’ khẩu trang sẽ bị xử phạt ra sao?
Găm hàng, ‘thổi giá’ khẩu trang sẽ bị xử phạt ra sao?

Ngày 31/1, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội phát hiện một số cơ sở kinh doanh khẩu trang y tế trên phố Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân (Hà Nội) có dấu hiệu găm hàng, không niêm yết giá bán. Không chỉ vậy, người dân còn phản ánh, giá khẩu trang, nước sát khuẩn còn bị “thổi” tăng cao. Hành vi thao túng giá sẽ bị xử phạt ra sao?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN