Theo Maxim Kharkevich tại Viện quan hệ Quốc tế Moskva thuộc Đại học MGIMO (Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế Moskva), hệ thống hậu Chiến tranh Lạnh của quan hệ quốc tế dường như đã khiến cho cuộc khủng hoảng Ukraine trở nên nghiêm trọng hơn."Cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine và việc Crimea sáp nhập vào Nga là sự kiện làm nổi bật rõ nguồn gốc cơ bản của xung đột trong chính trị toàn cầu. Ngay cả những thuật ngữ dùng để mô tả tình hình ở Crimea - 'sáp nhập' và 'thôn tính' - là một nguồn gốc của sự căng thẳng ngoại giao lớn giữa Nga và phương Tây", ông Kharkevich cho biết.
Người biểu tình lập rào chắn bên ngoài tòa nhà chính quyền thành phố Donetsk, miền đông Ukraine ngày 11/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo ông Kharkevich, trong khi Nga coi việc sáp nhập Crimea như một "sự thống nhất" và tôn trọng quyền tự quyết, thì phương Tây lại xem đó là một mối đe dọa cho an ninh châu Âu và vi phạm toàn vẹn lãnh thổ.
"Một trong những mâu thuẫn quan trọng trong hệ thống quan hệ quốc tế thời hậu Chiến tranh Lạnh sự thiếu vắng một hiệp ước hòa bình để thiết lập các quy tắc mới giữa các cường quốc. Bởi vì, khi Chiến tranh Lạnh 'nguội' đi và một trong những siêu cường đột nhiên không còn tồn tại, sẽ không có hiệp ước hòa bình nào", ông Kharkevich lưu ý.
Đồng thời, ông Kharkevich cho rằng "di sản" phức tạp mà cuộc Chiến tranh Lạnh để lại đã tạo ra "một vùng xám" trong nền chính trị toàn cầu và cản trở sự phát triển của các tiêu chuẩn trong luật pháp quốc tế. Đây chính là mảnh đất màu mỡ khiến cho những mâu thuẫn hiện có leo thang thành xung đột.
Bất kể những căng thẳng ngày càng tăng giữa Nga và phương Tây, ông Kharkevich vẫn xem xét vấn đề từ một góc độ tích cực và kết luận: "Sự ổn định của một hệ thống quan hệ quốc tế không có nghĩa là không xuất hiện các xung đột (điều vốn không thể tránh khỏi), vấn đề là phải giải quyết nguồn gốc cơ bản của cuộc xung đột thông qua thỏa hiệp và tranh luận mang tính xây dựng".
CT