Hỗ trợ người bị thương sau vụ xả súng ở Khách sạn và Sòng bạc Mandalay Bay ngày 1/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Có lẽ nhiều người trong số 59 nạn nhân bỏ mạng trong đêm "định mệnh" đầu tiên của tháng 10 này đến lúc nhắm mắt vẫn không hiểu cái chết đến từ đâu.
Ém mình trong một căn phòng trên tầng 32 của Khách sạn và Sòng bạc Mandalay Bay như một con chim săn mồi, Stephen Paddock, 64 tuổi, lạnh lùng nã đạn liên tục trong hơn 10 phút xuống đám đông vô tội đang vây quanh sân khấu ở đối diện cách đó khoảng 500 mét, rồi quay súng tự sát trước khi cảnh sát ập vào.
Theo các chuyên gia, tay súng này chắc chắn đã lên kế hoạch từ trước khi đặt phòng hôm 28/9 và việc chọn vị trí cao làm nơi xả súng xuống một đám đông dày đặc phía dưới là với ý đồ tiến hành một cuộc "tàn sát".
Không ai hiểu vì sao cựu kế toán viên của tập đoàn sản xuất vũ khí Lookheed Martin này lại có thể mang tới 23 khẩu súng các loại vào trong khách sạn mà không bị phát hiện.
Trong số đó có một vài khẩu súng quân dụng, được trang bị kính ngắm và loại đạn có sức công phá lớn với khả năng bắn xuyên áo giáp của cảnh sát, cho thấy vụ xả súng làm ít nhất 527 người bị thương này có thể còn tồi tệ hơn nhiều.
Tại nhà riêng của y ở Mesquite cách đó chừng 1 giờ xe chạy, cảnh sát cũng tìm thấy 19 khẩu súng, hàng nghìn viên đạn và chất nổ. Ngoài ra, trong xe của Paddock còn chứa chất amoni nitrat, một hóa chất có thể dùng để chế tạo thuốc nổ.
Một điều đáng kinh ngạc là thủ phạm gây ra vụ thảm sát đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại này lại có lý lịch khá trong sạch và số vũ khí trên được mua hoàn toàn hợp pháp. Cho đến lúc này, vẫn chưa ai rõ động cơ ra tay của hung thủ.
Trong con mắt của họ hàng và hàng xóm, Paddock là một người giàu có, rất biết tận hưởng cuộc sống dư dả với sở thích đánh bạc một cách chuyên nghiệp. Y không thể hiện mình là một kẻ cuồng tín hay có bất đồng chính trị sâu sắc nào, cũng không có vẻ là người dễ bị kích động.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã loại trừ khả năng có liên quan đến khủng bố, mặc dù tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã nhận là chủ mưu đứng sau vụ tấn công này, nhưng không đưa ra được bằng chứng. Nhiều khả năng đây là cuộc tấn công theo kiểu "sói đơn độc".
Mức độ thảm khốc của vụ tấn công đã làm chấn động toàn nước Mỹ. Nhà Trắng tuyên bố sẽ treo cờ rủ đến ngày 6/10. Vụ việc một lần nữa cho thấy tình người trong cơn hoạn nạn. Cho dù chưa hết sợ hãi và hoảng loạn, hàng trăm người dân và khách du lịch đã nhất quyết không rời khỏi thành phố mà xếp hàng tình nguyện hiến máu cứu giúp các nạn nhân bị thương sau vụ xả súng đẫm máu này.
Vụ xả súng cũng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với việc kiểm soát súng đạn, vấn đề gây tranh cãi nhiều năm qua tại Mỹ. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, vấn đề kiểm soát súng đạn đã trở thành chủ đề "nóng" trên mạng xã hội Twitter.
Hàng loạt nghị sĩ đảng Dân chủ, trong đó có thủ lĩnh phe thiểu số tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi, đã lên tiếng hối thúc chính quyền có hành động đối với nạn bạo lực súng đạn. Mặc dù vậy, Nhà Trắng cho biết hiện tại "vẫn chưa phải lúc" để khơi lại cuộc tranh luận về kiểm soát súng đạn tại Mỹ mà cần tập trung đoàn kết đất nước.
Bên cạnh đó, động cơ vụ tấn công vẫn chưa được làm rõ và do đó "sẽ là quá sớm" để thảo luận về chính sách trong khi chưa có đủ thông tin về vụ tấn công.
Quyền sở hữu súng đã được quy định trong Hiến pháp Mỹ và Quốc hội nước này xem việc sở hữu súng là quyền cơ bản của con người. Theo thống kê, có tới 270 triệu trong tổng số gần 325 triệu người dân Mỹ sở hữu ít nhất một khẩu súng, khoảng 28,5% phụ nữ Mỹ sở hữu súng, còn đa phần nam giới Mỹ đều từng có ít nhất một khẩu súng.
Mỗi năm, các nhà sản xuất giới thiệu khoảng 2.000-5.200 mẫu súng mới trong các phiên hội chợ súng đạn được tổ chức nhan nhản trên khắp nước Mỹ. Người ta có thể mua súng đạn tại các cửa hàng, triển lãm vũ khí hay mua qua mạng một cách dễ dàng. Việc sở hữu súng quá dễ, kèm theo những kẽ hở trong việc cấp giấy phép mua bán, sử dụng các loại súng chính là mầm mống cho tội ác, đặc biệt là các vụ thảm sát tại quốc gia đa sắc tộc này.
Tình trạng bạo lực súng đạn đã trở thành vấn đề nhức nhối ở Mỹ trong nhiều năm qua, ước tính mỗi ngày có tới 90 người thiệt mạng. Văn hóa súng đạn đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Mỹ và mặc dù nhiều người đã lên tiếng phản đối Luật Vũ khí quốc gia (NFA) được thông qua năm 1935, nhưng 60% người dân nước này vẫn muốn bảo lưu đạo luật.
Kinh doanh vũ khí là một trong những ngành mang lại lợi nhuận khổng lồ với doanh thu từ bán súng đạn lên tới khoảng 3,5 tỷ USD mỗi năm. Đây chính là lý do khiến các nhóm vận động hành lang ở Mỹ, đặc biệt là Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ, ra sức lôi kéo lá phiếu của các nghị sĩ để bảo vệ lợi ích nhóm của họ.
Do ảnh hưởng của các nhóm lợi ích trong ngành công nghiệp súng đạn vẫn rất lớn và không dễ dàng để giới lập pháp Mỹ tìm được tiếng nói chung, nên những tranh cãi trong việc kiểm soát súng đạn sẽ vẫn là bài toán nan giải đối với nước Mỹ.
Thảm kịch ở Las Vegas khiến dư luận gợi nhớ đến vụ tấn công một hộp đêm dành cho người đồng tính nam ở Orlando bang Florida tháng 6/2016 làm 49 người thiệt mạng, vụ xả súng ở một trường đại học tại bang Virginia tháng 4/2007 làm 32 người chết hay vụ tấn công một trường tiểu học ở bang Connecticut tháng 12/2012 cướp đi sinh mạng 27 người, cùng hàng chục vụ tấn công chết chóc khác.
Nếu giới hữu trách ở Mỹ không có biện pháp siết chặt việc kiểm soát súng đạn và ngăn chặn các "con sói đơn độc" tiến hành các vụ tấn công đơn lẻ như vừa qua, không có gì đảm bảo thảm kịch Las Vegas sẽ không tái hiện trong tương lai.