Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, quan điểm trên được ông Cho Han-bum đưa ra trong một cuộc hội thảo ngày 22/1, giữa lúc hai miền Triều Tiên thúc đẩy biến vùng đệm này thành một "vùng hòa bình" theo thỏa thuận đạt được trong các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều.
Tại hội thảo bàn về cách tận dụng lợi thế của khu vực biên giới được coi là một trong những biểu tượng cuối cùng còn lại của Chiến tranh Lạnh này, chuyên gia Cho Han-bum nhấn mạnh: "Toàn bộ DMZ là một tượng đài chiến tranh. Hiện tại đây là một khu vực phân chia ranh giới, song có tiềm năng trở thành một biểu tượng của hòa bình thế giới".
Bày tỏ quan ngại xung quanh việc hai miền phá bỏ các trạm gác tại khu vực này thời gian gần đây, ông Cho Han-bum kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc xây dựng một kế hoạch trung và dài hạn cho việc thực hiện tiến trình phi quân sự hóa DMZ.
Theo chuyên gia này, các trạm gác này có giá trị lịch sử và không nên phá bỏ. Nhấn mạnh "DMZ đã là một khu vực di sản thế giới", nhà nghiên cứu này cũng đề xuất thành lập một công viên hòa bình sinh thái tại khu vực này.
Trải dài khoảng 250 km và rộng 4 km, DMZ là một trong những khu vực biên giới được canh phòng nghiêm ngặt nhất thế giới khi hai miền Triều Tiên về mặt lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, thay vì một hiệp ước hòa bình.
Đây cũng được coi là di tích sống động của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đồng thời là một địa điểm thu hút khách du lịch. Gần đây hai miền Triều Tiên mỗi bên đã phá hủy 10 trạm gác tại khu vực này sau thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự ký hồi tháng 9 năm ngoái, trong đó hai bên nhất trí phi quân sự hóa DMZ.