Phát biểu trước các nghị sĩ cùng ngày, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Sri Lanka Ruwan Wijewardene tuyên bố kết quả điều tra sơ bộ cho thấy loạt đánh bom đẫm máu dịp Lễ phục sinh tại nước này hôm 21/4 khiến 321 người thiệt mạng và trên 500 người bị thương là hành động trả đũa vụ xả súng của phần tử da trắng cực đoan Brenton Tarrant nhằm vào hai nhà thờ Hồi giáo tại thành phố Christchurch của New Zealand hôm 15/3 khiến 50 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là người Hồi giáo.
Cảnh sát Sri Lanka ngày 23/4 cho biết số người thiệt mạng trong loạt vụ nổ xảy ra trước đó 2 ngày tại các nhà thờ và khách sạn hạng sang ở nước này tăng lên 310 người. Trong một tuyên bố, người phát ngôn cảnh sát Sri Lanka Ruwan Gunasekera cho biết khoảng 500 người đã bị thương trong các vụ nổ. Tính đến ngày 23/4, lực lượng chức năng đã bắt giữ 40 nghi can liên quan. Hầu hết các nghi can bị bắt giữ là người Sri Lanka, song cảnh sát đang điều tra liệu có người nước ngoài nào tham gia các vụ tấn công nói trên hay không.
Văn phòng tổng thống tuyên bố luật tình trạng khẩn cấp, có hiệu lực từ nửa đêm 22/4, sẽ trao thêm quyền cho cảnh sát trong việc bắt giữ và thẩm vấn các nghi can mà không cần có lệnh của tòa án. Chính phủ Sri Lanka cáo buộc nhóm vũ trang Hồi giáo địa phương tên là National Thowfeek Jamaath (NTJ) tiến hành vụ tấn công. Theo hãng tin AFP, 10 ngày trước khi loạt vụ nổ này xảy ra, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Sri Lanka Pujuth Jayasundara đã đưa ra cảnh báo trên toàn quốc về việc các phần tử đánh bom liều chết âm mưu tấn công các nhà thờ.
Theo ông, một cơ quan tình báo nước ngoài đã thông báo về việc NTJ đang lên kế hoạch tiến hành các vụ tấn công liều chết nhằm vào các nhà thờ và cơ quan đại diện của Ấn Độ tại Colombia. Đây là nhóm Hồi giáo cực đoan, được biết đến tại Sri Lanka vào năm 2018 khi liên quan đến việc phá hoại các bức tượng Phật giáo.
Ngày 15/3, đất nước New Zealand và dư luận quốc tế bàng hoàng sau khi xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng nhất trong lịch sử quốc gia châu Đại Dương này tại thành phố Christchurch. Phần lớn trong số 50 nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng tại hai đền thờ Hồi giáo đều là người nhập cư và công dân các nước như Pakistan, Bangladesh, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Kuwait, Somalia...
Nghi can chính trong vụ việc này là Brenton Harrison Tarrant, công dân Australia, 28 tuổi và là kẻ theo quan điểm "da trắng thượng đẳng". Kẻ xả súng thậm chí đã livestream vụ tấn công trên trang mạng xã hội Facebook trong 17 phút.
Trong thông báo mới nhất, giới chức Sri Lanka cho biết có ít nhất 31 người là công dân nước ngoài đến từ ít nhất 12 nước đã thiệt mạng trong các vụ đánh bom ở nhà thờ và khách sạn hạng sang tại nước này trong ngày 21/4 vừa qua. Trong số các nạn nhân này, có nhiều người đến từ các nước phương Tây như Anh, Đan Mạch, Mỹ...
Một quan chức ngoại giao hàng đầu của Sri Lanka tại Anh thông báo có 8 công dân Anh thiệt mạng trong các vụ đánh bom. Giới chức Ấn Độ cũng thông báo có 8 công dân thiệt mạng trong các vụ tấn công này.
Trong khi đó, chuỗi cửa hàng thời trang Bestseller đã khẳng định với giới truyền thông Đan Mạch về cái chết của 3 trong số 4 người con của nhà tài phiệt Anders Holch Povlsen, chủ sở hữu thương hiệu nổi tiếng này.
Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha cũng xác nhận có 2 công dân là nạn nhân các vụ tấn công, song không nêu chi tiết. Thủ tướng Australia cũng thông báo có hai công dân là hai mẹ con đã thiệt mạng khi dự lễ tại nhà thờ ở Negombo.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết có ít nhất 4 công dân nước này đã thiệt mạng và nhiều người bị thương rất nặng trong các vụ đánh bom. Các nước Thụy Sĩ, Trung Quốc, Hà Lan, Nhật Bản và Bồ Đào Nha cũng thông báo có công dân thiệt mạng tại Sri Lanka.
Video đối tượng áo xanh khả nghi gây ra vụ đánh bom ở nhà thờ St. Sebastian (nguồn: Sputnik):