Truyền thông nhà nước Syria đưa tin ít nhất 18 người, trong đó có 3 trẻ em, đã thiệt mạng trong vụ đánh bom xe ở khu ngoại ô Jaramana của thủ đô Damascus tối hôm 6/8.Hiện trường vụ đánh bom ở Jaramana.Ảnh: AFP-TTXVN |
Theo hãng thông tấn SANA, vụ đánh bom xe này còn làm 56 người khác bị thương và là vụ mới nhất trong hàng loạt vụ nổ tại khu vực mà người Cơ Đốc giáo và người Druze chiếm đa số này. Trước đó, ngày 25/7, một vụ đánh bom tương tự cũng xảy ra ở khu vực trên làm ít nhất 7 người thiệt mạng và hơn 60 người bị thương. Hồi tháng 8/2012, một vụ nổ bom xe khác cũng cướp đi sinh mạng của ít nhất 27 người tại khu ngoại ô phía Đông Nam này.
Cộng đồng thiểu số người Thiên chúa giáo và Druze tại Syria hầu hết giữ thái độ trung lập trong cuộc xung đột nổ ra từ tháng 3/2011 tại nước này. Tuy nhiên, nhiều phần tử Hồi giáo cực đoan lại nghi ngờ họ trung thành với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
Cùng ngày, người phát ngôn của Liên hợp quốc (LHQ) Martin Nesirky cho biết các thanh sát viên của tổ chức này với nhiệm vụ làm rõ cáo buộc về việc sử dụng vũ khí hóa học đang làm nốt các công tác chuẩn bị để lên đường tới Syria.
Chiếc xe ô tô chỉ còn khung tại hiện trường vụ đánh bom ở Jaramana. Ảnh: AFP-TTXVN |
Theo ông Nesirky, LHQ cũng đang hoàn tất các công việc về mặt pháp lý và hậu cần cho phái đoàn điều tra trên, dựa trên thỏa thuận đã đạt được với chính phủ của Tổng thống al-Assad hồi tháng trước. Theo kế hoạch, các thanh sát viên LHQ sẽ có mặt ở Syria trong tuần tới và dự kiến sẽ hoàn tất các công việc điều tra ở đây vào cuối tháng 8.
Đoàn thanh sát viên LHQ đến Syria lần này do chuyên gia người Thụy Điển Ake Sellstrom dẫn đầu sẽ tiến hành điều tra ở ba khu vực được cho là đã phát sinh tình trạng sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công. Một trong những địa điểm đó là Khan al-Assal, gần thành phố Aleppo. Hai địa điểm còn lại vẫn được giữ bí mật do lo ngại về an ninh.
Tới nay, LHQ đã nhận được 13 báo cáo nghi ngờ việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột kéo dài 28 tháng qua ở quốc gia Trung Đông này. Trong khi một số nước phương Tây và phe đối lập ở Syria lại cáo buộc lực lượng trung thành với Tổng thống al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học thì chính quyền Syria lại buộc tội chính lực lượng đối lập mới là thủ phạm.
Đầu tháng 7 vừa qua, Nga đã gửi cho LHQ cũng như các đối tác của Nga trong Hội đồng Bảo an LHQ báo cáo dày 80 trang chứng minh lực lượng nổi dậy ở Syria đã sử dụng khí độc sarin trong một cuộc tấn công tại Aleppo hồi tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, sau đó cuộc điều tra của LHQ đã bị dậm chân tại chỗ do các nước phương Tây yêu cầu điều tra cả những cáo buộc khác.
TTXVN/Tin tức