Đằng sau việc Tướng Prayuth làm tân thủ tướng Thái Lan

Ba tháng sau khi lật đổ chính phủ dân cử ở Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha, đã từ bỏ bộ quân phục để tiếp quản vị trí Thủ tướng - động thái bị những người chỉ trích cho rằng sẽ kéo dài sự cai trị của ông và tăng cường khả năng nắm giữ quyền lực của quân đội.

Ngày 21/8, đa số thành viên cơ quan lập pháp của Thái Lan đã bỏ phiếu ủng hộ ông Prayuth trở thành Thủ tướng. Hầu như không ai nghi ngờ gì về kết quả của cuộc bỏ phiếu này bởi ông Prayuth là ứng cử viên duy nhất cho vị trí này và Quốc hội Thái Lan, vốn được chính ông Prayuth chọn lọc kỹ lưỡng, bị chi phối bởi các sỹ quan nghỉ hưu. Nhà lãnh đạo 60 tuổi này dự kiến sẽ rời khỏi quân đội vào tháng 9 tới, và cho tới thời điểm đó, ông sẽ nắm giữ cả hai vị trí.

Tướng Prayuth Chan-ocha (giữa) thăm trung đoàn bộ binh 21 ở tỉnh Chonburi ngày 21/8. Ảnh: AFP-TTXVN


Việc bổ nhiệm ông Prayuth làm Thủ tướng ngày 21/8 vừa qua dường như nhằm mục đích duy trì vị trí lãnh đạo của ông trong khi quân đội thực hiện những cải cách chính trị sâu rộng, vốn bị những người chỉ trích cho là để loại bỏ ảnh hưởng của đảng Người Thái yêu người Thái cầm quyền trước đây và làm lợi cho thiểu số những người cầm quyền hiện nay, vốn đã thất bại trong các cuộc bầu cử toàn quốc trong hơn 10 năm qua.

Tướng Prayuth trên thực tế đã trở thành Thủ tướng kể từ khi tiến hành cuộc đảo chính ngày 22/5. Trước đó, ông nắm giữ vị trí người đứng đầu quân đội, vốn được nhiều người cho rằng là vị trí quyền lực nhất ở Thái Lan. Trong lịch sử, quân đội Thái Lan từng nhiều lần can thiệp vào các công việc chính trị và đã tiến hành đảo chính 12 lần kể từ khi chế độ quân chủ chuyên chế kết thúc năm 1932.

Pavin Chachavalpongpun, một Giáo sư người Thái Lan chuyên nghiên cứu Đông Nam Á ở Đại học Kyoto của Nhật Bản, nói: "Ông ấy (Tướng Prayuth) có thể từ chối đảm nhận vị trí này, song điều đó chẳng có ý nghĩa gì. Bởi nếu ông ấy không phải là Thủ tướng, thì ông ấy sẽ vẫn có thể "điều khiển" Thủ tướng từ hậu trường".

Việc Hội đồng Lập pháp Quốc gia bổ nhiệm ông Prayuth làm Thủ tướng phải được Nhà Vua Bhumibol Adulyadej phê chuẩn, và thủ tục này chắc chắn sẽ được hoàn tất trong vòng một tuần. Sau đó, ông Prayuth sẽ thành lập nội các gồm 35 thành viên.

Cuộc bỏ phiếu vừa qua là động thái mới nhất trong một loạt hành động của giới tướng lĩnh cầm quyền sau đảo chính nhằm củng cố quyền lực. Hồi tháng 7, quân đội đã thông qua một Hiến pháp tạm thời gồm 48 điều khoản. Ngay sau đó, quân đội đã chỉ định các thành viên Quốc hội.

Tướng Prayuth nói rằng quân đội đã can thiệp để chấm dứt các cuộc biểu tình kéo dài nửa năm, khiến chính phủ bị tê liệt và châm ngòi cho bạo lực làm hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Mặc dù sự ổn định tại Thái Lan đang dần được khôi phục và cuộc sống gần như đã trở lại bình thường, song Thái Lan phải trả một cái giá quá đắt, đó là các thể chế dân chủ của nước này đã hoàn toàn bị xóa bỏ và tất cả những người bất đồng chính kiến ở Thái Lan bị các nhà cầm quyền độc đoán đàn áp.

Phần lớn các chính trị gia của đảng cầm quyền bị lật đổ, bao gồm cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, đã bị quân đội giam giữ và chỉ được thả sau khi ký các giấy tờ cam kết sẽ không lên tiếng. Các quan chức quân đội cầm quyền sau đảo chính cảnh báo rằng bất kể ai vi phạm cam kết sẽ bị truy tố.

Những người chỉ trích nói rằng việc hòa giải dân tộc và bất kỳ một cuộc tranh luận nào về số phận của đất nước đang bị chia rẽ này không thể diễn ra trong bầu không khí của sự sợ hãi.

Người biểu tình phản đối đảo chính đối mặt với binh sĩ Thái tại khu vực Tượng đài Chiến thắng ở Bangkok hồi tháng 5/2014. Ảnh: AP


Cuộc đảo chính hồi tháng 5 vừa qua đã nhanh chóng bị các cường quốc phương Tây lên án, song quan hệ của Thái Lan với các nước châu Á chủ chốt vẫn không thay đổi. Những lo ngại về các hành vi vi phạm nhân quyền và việc khôi phục nền dân chủ thậm chí còn không được đề cập đến công khai trong hội nghị thượng đỉnh các bộ trưởng ngoại giao của các nước trong khu vực diễn ra hồi đầu tháng 8 tại Myanmar.

Tại Washington, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Marie Harf ngày 21/8 nói rằng Mỹ hy vọng việc Thái Lan chọn ra một Thủ tướng mới là một bước đi nhằm tiến tới việc xây dựng các thể chế dân chủ. Bà nói với các phóng viên rằng Mỹ vẫn lo ngại việc Thái Lan hạn chế tự do ngôn luận và tự do tụ họp, và rằng Mỹ sẽ tiếp tục hạn chế viện trợ cho Thái Lan đến khi nào có một chính phủ được người dân bầu ra một cách dân chủ.

Thái Lan đã bị chia rẽ sâu sắc kể từ năm 2006, khi cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ. Ông bị cáo buộc tham nhũng, lạm dụng quyền lực và bất kính với Nhà Vua. Ông Thaksin hiện sống lưu vọng ở Dubai song vẫn là nhân vật gây ra sự chia rẽ sâu sắc tại Thái Lan. Những người dân nghèo Thái Lan ở phía bắc và đông bắc rất ủng hộ ông, tuy nhiên ông bị những người giàu có ở Bangkok và những người bảo hoàng ghét bỏ bởi họ coi ông là kẻ mị dân và tham nhũng.

Mặc dù ông Prayuth đã cam kết khôi phục nền dân chủ và tổ chức bầu cử sớm nhất vào năm 2015, song các nhà phân tích nói rằng giới tướng lĩnh cầm quyền sau đảo chính đang tìm cách loại bỏ mọi ảnh hưởng còn sót lại của ông Thaksin.

Giáo sư Pavin nói: “Giới tướng lĩnh quân đội muốn giành quyền kiểm soát các hoạt động chính trị. Trong 10 năm qua, ông Thaksin đã thông qua bầu cử để loại bỏ sự thống trị của quân đội. Quân đội đang nỗ lực xóa bỏ điều này và bảo đảm rằng các chính trị gia có quan hệ với ông Thaksin không thể trở lại chính trường”.


TTK (Theo AP)

Tướng Chan-ocha được bầu làm Thủ tướng Thái Lan
Tướng Chan-ocha được bầu làm Thủ tướng Thái Lan

Tướng Prayuth Chan-ocha đã được Quốc hội Thái Lan bầu làm thủ tướng, đúng như dự kiến của đông đảo dư luận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN