Đằng sau việc Tổng thống Trump đảo ngược quyết định cung cấp tên lửa cho Ukraine

Sau khi tuyên bố ngừng viện trợ, Tổng thống Trump bất ngờ quay ngoắt hỗ trợ vũ khí cho Ukraine. Bước ngoặt này tiết lộ những toan tính địa chính trị và áp lực với Nga.

Chú thích ảnh
 Hệ thống phòng không Patriot được triển khai tại Căn cứ Humphreys của Mỹ ở Pyeongtaek, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Trong một diễn biến đầy bất ngờ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đảo ngược quyết định tạm dừng viện trợ quân sự cho Ukraine, tuyên bố sẽ cung cấp thêm vũ khí phòng thủ cho Kiev. Theo kênh CNN ngày 9/7, sự thay đổi đột ngột này không chỉ đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách của Mỹ đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine, mà còn hé lộ những tính toán địa chính trị phức tạp và sự tuyệt vọng của thời điểm hiện tại trong cuộc chiến.

Sự thay đổi chính sách đầy bất ngờ

Chỉ vài ngày trước đó, chính quyền Trump đã thông báo về việc tạm dừng các chuyến hàng quân sự tới Ukraine. Tuy nhiên, vào đầu tuần này, ông Trump bất ngờ tuyên bố: "Chúng tôi sẽ gửi thêm một số vũ khí nữa. Chúng tôi phải làm vậy – họ (Ukraine) phải có khả năng tự vệ. Họ đang bị tấn công rất mạnh".

Phát biểu này được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và ông Trump vào cuối tuần trước, trong đó hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc sản xuất vũ khí chung và phòng không. Ông Zelensky rất cần thêm tên lửa đánh chặn Patriot – cách duy nhất để đối phó với tên lửa đạn đạo của Nga, và chỉ có Mỹ mới có thể đáp ứng giao dịch này.

Động thái của ông Trump cũng diễn ra một ngày sau cuộc thảo luận với Thủ tướng Đức Friedrich Merz, người đã đề nghị mua Patriot từ Mỹ để cung cấp cho Ukraine. Những diễn biến này đã khiến Tổng thống Zelensky phải tuyên bố sau đó rằng rằng cuộc gọi của ông với nhà lãnh đạo Mỹ là "cuộc trò chuyện tuyệt vời nhất mà chúng tôi có trong suốt thời gian này, là cuộc trò chuyện hiệu quả nhất".

Việc Tổng thống Trump không cung cấp thông tin chi tiết về việc bổ sung vũ khí có thể là một chiến lược ngoại giao hoặc đơn thuần là do phong cách làm việc của ông. Tuy nhiên, dù cách tiếp cận có vẻ giống người tiền nhiệm Joe Biden trong việc hỗ trợ Ukraine, vẫn có sự khác biệt rõ rệt. Chính quyền Biden trước đây đã công khai và minh bạch về mọi khả năng hỗ trợ Kiev, có lẽ với hy vọng tránh được sự leo thang bất ngờ với Moskva. Ngược lại, chính quyền Trump có thể muốn tránh việc công khai "tăng cường" vũ khí, điều mà Điện Kremlin đã nắm bắt được dưới thời Biden, để tạo ra một không gian đàm phán linh hoạt hơn.

Nguyên nhân đằng sau sự đảo ngược

Sau 6 tháng nhậm chức và thử nghiệm nhiều cách tiếp cận khác nhau ông Trump dường như đã nhận ra rằng Nga là một "đối thủ khó nhằn". Việc Nga sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) tấn công Kiev gần đây đã phơi bày những thiếu sót nghiêm trọng trong hệ thống phòng không của thủ đô Ukraine, đồng thời làm nổi bật nguy cơ sụp đổ nếu không được tiếp tế. Đặc biệt, thông tin về việc 160.000 quân Nga đang tập trung ở phía Bắc và phía Đông tiền tuyến càng khiến tình hình trở nên cấp bách. Sự đảo ngược chính sách của Tổng thống Trump có thể giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Hơn nữa, một yếu tố quan trọng khác là bài học từ Afghanistan. Việc Mỹ rút quân vội vã khỏi Afghanistan dưới thời Biden đã dẫn đến những hình ảnh ám ảnh và trở thành một điểm yếu mà Đảng Cộng hòa thường dùng để công kích Đảng Dân chủ. Việc lặp lại một kịch bản tương tự ở Ukraine hoặc Đông Âu sẽ là một vết sẹo không thể xóa nhòa trong hồ sơ của Đảng Cộng hòa. Mặc dù điều đó không sắp xảy ra, nhưng nguy cơ tiềm tàng từ bất kỳ thành công nào của Nga trong những tháng tới có lẽ đã tác động mạnh mẽ đến quyết định của ông Trump.

Sau sáu tháng "mở cửa" cho các ý tưởng ngoại giao, Điện Kremlin cũng đã quay trở lại lập trường ban đầu của mình. Mới đây vào ngày 7/7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã lặp lại bộ yêu cầu tối đa nhất của Nga. Ông Lavrov tuyên bố "nguyên nhân cơ bản" của cuộc chiến phải được loại bỏ, và đưa ra một danh sách dài các yêu cầu bao gồm "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga, hủy bỏ mọi vụ kiện chống lại Nga và trả lại các tài sản bị tịch thu bất hợp pháp ở phương Tây". Ông Lavrov cũng yêu cầu Ukraine cam kết không bao giờ gia nhập NATO.

CNN cho rằng trong bối cảnh này, Tổng thống Trump và Tổng thống Putin dường như đã trở lại điểm xuất phát mà Nga và Mỹ từng ở vào năm 2022. Trước đó, Lầu Năm Góc đã trình bày việc dừng cung cấp vũ khí như một phần của quá trình xem xét để đảm bảo rằng Mỹ duy trì kho vũ khí của riêng mình. "Chúng tôi không thể cung cấp vũ khí cho tất cả mọi người trên khắp thế giới", Sean Parnell, người phát ngôn của Lầu Năm Góc, tuyên bố vào ngày 2/7.

Nhưng đến ngày 7/7, Politico đưa tin rằng chuyến hàng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine có thể được nối lại trong "những tuần tới". Tổng thống Trump đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng Mỹ gửi thêm vũ khí phòng thủ cho Ukraine để đảm bảo rằng Ukraine có thể tự vệ trong khi Washington nỗ lực bảo đảm một "hòa bình lâu dài". Về phần mình, trang tin Axios đưa tin vào ngày 8/7 rằng Tổng thống Trump đã nói với người đồng cấp Ukraine Zelensky rằng ông muốn giúp hỗ trợ hệ thống phòng không của Ukraine và cam kết sẽ ngay lập tức gửi 10 tên lửa đánh chặn Patriot và giúp tìm các nguồn tiếp tế khác.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Ukraine ghi nhận đợt tấn công bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa quy mô lớn nhất 
Ukraine ghi nhận đợt tấn công bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa quy mô lớn nhất 

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, lực lượng Không quân Ukraine cho biết 728 thiết bị bay không người lái và 13 tên lửa đã nhắm mục tiêu vào nước này, chủ yếu là khu vực phía Tây trong đêm 9/7, theo giờ địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN