Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công nhận độc lập đối với Cộng hòa Donetsk (DPR) và Cộng hòa Luhansk (LPR) tự xưng ở miền đông Ukraine, một động thái sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ chiến tranh tổng lực với Kiev. Quyết định được đưa ra sau khi ông Putin chủ trì cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia Nga trong tối 21/2.
Trước đó, thủ lĩnh DPR và LPR đã lên tiếng kêu gọi ông Putin công nhận hai khu vực này là quốc gia độc lập, đề nghị được Nga bảo vệ trước một cuộc tấn công đã được lên kế hoạch từ chính quyền Ukraine nhằm thu phục hai khu vực này – điều mà chính quyền Kiev luôn bác bỏ.
Sơ lược về DPR và LPR
Khẳng định quyết tâm ly khai và dựa phần lớn vào hậu thuẫn từ Moskva, DPR và LPR tuyên bố độc lập khỏi Kiev vào tháng 4/2014, ngay sau thời điểm Crimea sáp nhập vào Nga. Nằm giáp Nga về sườn đông Ukraine, DPR và LPR tập trung phần lớn người nói tiếng Nga và là nơi sinh sống của hơn 3 triệu người. Hai nước cộng hòa tự xưng này nhận được trợ giúp đáng kể về tài chính, nhân đạo và quân sự từ Nga.
Theo thỏa thuận Minsk – tiến trình đàm phán hòa bình do Pháp và Đức làm trung gian, lệnh ngừng bắn tạo điều kiện để lực lượng đòi độc lập ở Donbass kiểm soát khoảng 1/3 lãnh thổ Ukraine, với các khu vực hành chính ở Donetsk và Luhansk, được phân định giới tuyến kiểm soát kiên cố với quân đội Ukraine.
Chính quyền Ukraine coi đây là những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời và theo tinh thần thỏa thuận Minsk, cuối cùng hai khu vực này cũng sẽ quay trở lại quyền quản trị của Kiev theo một lộ trình nhiều điểm.
Ngoài lệnh ngừng bắn, thỏa thuận Minsk còn đề cập đến nhiều nội dung như: Đối thoại về bầu cử địa phương tại các khu vực do lực lượng đòi độc lập kiểm soát; khôi phục các liên kết kinh tế và xã hội đầy đủ giữa hai bên; khôi phục quyền kiểm soát của Chính phủ Ukraine trên biên giới với Nga; rút toàn bộ lực lượng quân sự bên ngoài; cải cách hiến pháp theo hướng tăng một số quyền tự trị cho các khu vực miền đông .
Tuy nhiên, cả Kiev và lực lượng lượng đòi độc lập ở miền đông đều không tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ theo các điều khoản có trong thỏa thuận, khiến quy chế của DPR và LPR rơi vào trạng thái “treo”.
Về phần mình, trong 8 năm qua, Nga đã cấp hộ chiếu và quy chế công dân cho khoảng 800.000 người nói tiếng Nga ở Donbass.
Hệ quả, tác động từ quyết định của Nga
Công nhận độc lập với DPR và LPR gây ra hai hệ lụy lớn trước tiên. Quyết định của ông Putin làm sụp đổ Thỏa thuận Minsk cùng những hy vọng về giải pháp ngoại giao cho xung đột ở miền đông Ukraine. Hôm 21/2, hàng loạt quan chức cấp cao Nga khẳng định với ông Putin rằng không có triển vọng cho một thỏa thuận hòa bình được tuân thù tuyệt đối và Mosvka không có lựa chọn nào khác ngoài việc tính đến giải pháp thay thế.
Hai là công nhận DPR và LPR tạo tiền đề để Nga đưa quân và thiết bị quân sự vào vùng Donbass. Trên thực tế, ngay sau khi đưa ra quyết định trên, ông Putin lệnh chỉ đạo Bộ Quốc phòng Nga triển khai quân tới DPR và LPR dưới danh nghĩa gìn giữ hòa bình nhưng chưa rõ quy mô và thời điểm tiến hành thực địa. Bước đi này sẽ làm tăng nguy cơ xung đột quân sự tổng lực giữa Nga với Ukraine ở dọc khu vực biên giới.
Động thái trên phần nào cho thấy ông Putin mất dần kiên nhẫn và lòng tin vào nỗ lực ngoại giao nhằm xoay chuyển xung đột ở Ukraine. Tương lai của hai nhà nước mới được Nga công nhận được coi là một điểm trọng yếu để Moskva đưa ra đàm phán, mặc cả trong mọi giải pháp ngoại giao.
Về phần mình, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng Liên minh châu Âu (EU) trước đó liên tục cảnh báo việc công nhận hai vùng lãnh thổ đòi độc lập ở Donbass sẽ là bước leo thang nghiêm trọng trong đối đầu Nga-Ukraine. Một bộ phận giới chức EU kêu gọi kích hoạt gói trừng phạt nhằm vào Nga.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, Mỹ và đồng minh vẫn chưa đưa ra trừng phạt lớn nhằm vào Nga. EU, Mỹ và Anh cùng nhiều nước phương Tây từng khẳng định trừng phạt quy mô chống Nga sẽ được kích hoạt trong trường hợp Moskva tấn công quân sự vào Ukraine. Nhưng họ chưa lên tiếng công khai về đồng thuận cấm vận quy mô đối với kịch bản Moskva công nhận độc lập của DPR và LPR.