Theo ông Ramaphosa, sau nhiều giờ thảo luận, ban lãnh đạo ANC đã quyết định mở rộng liên minh với các đảng đối lập, từ cánh tả đến cánh hữu. Phát biểu trong cuộc họp báo sau buổi họp kéo dài của đảng ANC, ông Ramaphosa cho biết: “Chúng tôi đã đồng ý rằng chúng tôi sẽ mời các đảng chính trị thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc như là lựa chọn tốt nhất để đưa đất nước tiến lên”.
Các nhà đàm phán của ANC đã bắt đầu tiếp xúc với một số đảng, bao gồm đảng Những Chiến binh vì Tự do Kinh tế (EFF) cánh tả, đảng Tự do Inkatha (IFP) theo chủ nghĩa dân tộc Zulu, đảng Liên minh Dân chủ (DA) trung hữu và đảng Liên minh Yêu nước (PA).
Tổng thống Ramaphosa nhấn mạnh mục tiêu chính của chính phủ đoàn kết dân tộc là giải quyết các vấn đề cấp bách mà người dân Nam Phi đang phải đối mặt, bao gồm tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát chi phí sinh hoạt, nâng cao chất lượng dịch vụ công, chống tội phạm và tham nhũng.
Ông Ramaphosa thừa nhận sự khác biệt về ý thức hệ và chính sách giữa ANC và các đảng khác, nhưng khẳng định người dân Nam Phi mong đợi các chính trị gia sẽ vượt qua những khác biệt này để cùng nhau làm việc vì lợi ích chung.
Kết quả bầu cử cho thấy ANC chỉ giành được 40% số phiếu bầu - mức thấp nhất từ trước đến nay - và lần đầu tiên kể từ khi nền dân chủ được thiết lập vào năm 1994, đảng này cần sự ủng hộ của các nhóm khác để duy trì quyền lực. ANC hiện có 159 thành viên trong Quốc hội gồm 400 ghế, giảm từ 230 vào năm 2019. Trong khi đó, đảng DA giành được 87 ghế với chương trình thị trường tự do, đảng EFF giành được 39 ghế với việc ủng hộ việc phân chia lại đất đai và quốc hữu hóa các ngành kinh tế quan trọng.
Trước đó, ANC cũng đã liên lạc với đảng uMkhonto weSizwe (MK) của cựu tổng thống Jacob Zuma, đảng này giành được 14,6% phiếu bầu và 58 ghế, nhưng không nhận được phản hồi. Đảng MK, mới được thành lập vào cuối năm ngoái, đã bác bỏ kết quả bầu cử và tuyên bố sẽ không ủng hộ chính phủ do ANC lãnh đạo nếu Tổng thống Ramaphosa vẫn nắm quyền.
Quốc hội mới sẽ họp trong vòng chưa đầy hai tuần nữa, và một trong những nhiệm vụ đầu tiên sẽ là bầu ra một tổng thống để thành lập chính phủ mới. Mặc dù ANC vẫn được nhiều người Nam Phi tôn trọng vì vai trò lãnh đạo trong việc lật đổ chế độ phân biệt chủng tộc, cũng như các chính sách phúc lợi xã hội tiến bộ và trao quyền kinh tế cho người da đen, nhưng sự ủng hộ của họ đã giảm sút trong cuộc bầu cử gần đây do bất mãn lan rộng trước tỷ lệ thất nghiệp cao, tội phạm tràn lan, bê bối hối lộ và tình trạng thiếu điện.
Hiện chưa rõ liệu tất cả các đảng được đề cập có đồng ý tham gia chính phủ đoàn kết dân tộc hay không.