Văn hóa Myanmar có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, nhưng khi đặt chân lên đất Miến Điện, vẫn có nhiều điều khiến cánh phóng viên sang tác nghiệp tại SEA Games 27 cảm thấy ngỡ ngàng.
Dù ở Yangon hay Nay Pyi Taw thì bạn cũng rất dễ dàng gọi được một chiếc taxi để đi tham quan thành phố. Theo lời khuyên của một người bạn làm bên ngành du lịch, chúng tôi đã tranh thủ khám phá tân đô của Myanmar theo cách như vậy.
Người lái taxi có tên U Tho, chừng 50 tuổi, chào đón chúng tôi bằng nụ cười niềm nở. Bác tài quấn một chiếc váy (xà rông) màu xanh tím than dài đến mắt cá chân và đi dép tông. Thỏa thuận xong về địa điểm và giá cả, chúng tôi lên xe.
Giao thông tại Myanmar cũng giống Việt Nam, là xe cộ đi bên phải đường. Nhưng điểm khác người ở Myanmar là ghế ngồi của các bác tài có thể được đặt ở bên phải hay bên trái xe, tùy ý.
Đường sá ở Nay Pyi Taw rộng thênh thang với 8 làn xe chạy. U Tho vừa cho xe lao đi khá nhanh, vừa hỏi han chúng tôi bằng tiếng Anh. Đang giữa câu chuyện, bác tài đột ngột thò tay vào túi áo ngực, lôi ra một vật gì đó và cho ngay vào mồm nhai bỏm bẻm. Ban đầu, chúng tôi đoán già đoán non là kẹo cao su. Nhưng khi nhìn kỹ đôi môi đỏ chót của U Tho thì mới vỡ lẽ.
U Tho rất cởi mở kể cho chúng tôi về thói quen ăn trầu của người dân xứ Chùa Vàng. Vài miếng cau cắt nhỏ được gói trong lá trầu quết lớp vôi trắng, giống hệt cách ăn trầu của người Việt. Nếu muốn “phê” hơn nữa thì rắc thêm vài sợi thuốc lá. Đàn bà ăn trầu là chuyện phổ biến, nhưng nhiều đàn ông Myanmar cũng nghiện nặng và bỏm bẻm cả ngày.
Theo thói quen, U Tho mỗi ngày thường “xơi” mươi, mười lăm miếng trầu. Với cánh lái taxi như U Tho, trầu giúp họ luôn tỉnh táo lái xe, vừa kinh tế, vừa không gây hại tới sức khỏe như thuốc lá.
Đến nay, tục ăn trầu, quấn váy, là những nét văn hóa truyền thống luôn được mọi tầng lớp người dân Myanmar nâng niu, giữ gìn.
Lại cảm thấy chạnh lòng vì tục ăn trầu của người Việt ta đang ít nhiều bị mai một…
Minh Hương(từ Nay Pyi Taw)