Đan Mạch sẽ trưng cầu dân ý về việc gia nhập chính sách quốc phòng EU

Hôm 6/3, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen thông báo rằng nước này sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 1/6 tới về việc có nên gia nhập chính sách quốc phòng của Liên minh châu Âu (EU) hay không.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Đan Mạch trong trang phục ngụy trang cầm súng trường M16. Ảnh: Getty

Theo hãng tin RT (Nga), Thủ tướng Frederiksen đã kêu gọi cử tri bỏ phiếu về việc gia nhập Chính sách an ninh và quốc phòng chung (CSDP) của Liên minh châu Âu. Bà cho rằng điều này sẽ cho phép Đan Mạch hợp tác hiệu quả hơn với các nước láng giềng EU. Đồng thời, việc gia nhập CSDP cũng mở đường cho nước này tham gia các hoạt động quân sự chung với liên minh, nâng cao năng lực quốc phòng của đất nước. Bà tuyên bố “thời điểm lịch sử đòi hỏi Đan Mạch phải đưa ra các quyết định lịch sử”.

Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang đẩy các quốc gia trung lập ở châu Âu phải đưa ra lựa chọn nghiêng về phía nào. Nhà lãnh đạo Đan Mạch cũng cho biết chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã báo trước một kỷ nguyên mới ở châu Âu. Bà cho rằng điều này là “bài kiểm tra sức mạnh cho mọi điều mà chúng ta tin tưởng: giá trị, nền dân chủ, hoà bình và tự do”.

Cùng ngày, Đan Mạch cũng đã công bố khoản đầu tư vào chi tiêu quốc phòng lớn nhất trong những thập niên gần đây. Theo đó, quốc gia này sẽ tăng dần chi tiêu quân sự từ 1,3% GDP hiện nay lên mục tiêu 2% vào năm 2033, nghĩa là chi tiêu hằng năm cho quốc phòng sẽ cao hơn khoảng 2,65 tỉ USD.

Quyết định tổ chức trưng cầu dân ý được đưa ra sau một thỏa thuận của các đảng trong Quốc hội Đan Mạch. Hồi tháng 12/2015, người dân Đan Mạch đã từ chối nỗ lực tăng cường hợp tác giữa nước này với EU về các vấn đề an ninh, vì lo ngại điều đó có thể khiến họ phải trả giá bằng chủ quyền của mình. 

Trong suốt 30 năm qua, Đan Mạch vẫn duy trì quyết định từ chối hợp tác quốc phòng với châu Âu. Tuy nhiên trong bối cảnh xung đột ở Ukraine, nước này có khả năng sẽ xoay chuyển tình thế. Đan Mạch đã từ chối tham gia CSDP trong cuộc trưng cầu ý dân năm 1992.

Việc Đan Mạch xem xét gia nhập CSDP là điều không có gì bất ngờ nếu xét tới các diễn biến trong thời gian qua. Các quốc gia trung lập khác ở châu Âu cũng đã có những động thái tương tự nhằm tăng cường hợp tác với các thành viên EU và NATO. Vào tuần trước, Phần Lan và Thụy Điển đã công bố quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với liên minh này.

Chính quyền Thụy Điển cho biết sẽ hỗ trợ trực tiếp cho Ukraine 135.000 khẩu phần ăn dã chiến, 5.000 mũ phòng vệ, 5.000 lá chắn và 5.000 vũ khí chống tăng. Trong khi Phần Lan cũng thông báo gửi 2.500 súng trường, 150.000 hộp đạn, 1.500 vũ khí chống tăng và 70.000 khẩu phần ăn dã chiến cho Ukraine.

Hải Vân/Báo Tin tức
Lý do Israel tích cực hoà giải xung đột giữa Nga và Ukraine
Lý do Israel tích cực hoà giải xung đột giữa Nga và Ukraine

Với chuyến thăm bất ngờ tới Moskva hôm 5/3, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đang nỗ lực đảm nhận vai trò hoà giải xung đột giữa Nga và Ukraine, dù cơ hội thành công là không cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN