Theo hãng tin TASS của Nga, trong thông báo ngày 6/3, Văng phòng Điều phối liên bộ về ứng phó nhân đạo ở Ukraine thuộc bộ trên cho hay phía chính quyền Ukraine đã cản trở một số lượng lớn người dân rời khỏi Kharkov và Sumy, nơi đang có hàng nghìn dân thường, bao gồm cả các công dân nước ngoài. Văn phòng này được thành lập vào ngày 2/3 trên cơ sở Trung tâm Kiểm soát quốc phòng của LB Nga.
Cùng ngày, Nga cũng cảnh báo các nước láng giềng của Ukraine, bao gồm cả các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), về việc cho phép các máy bay quân sự của Kiev bay vào không phận. Bộ Quốc phòng Nga gọi đây là hành động tham gia vào một cuộc xung đột vũ trang.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết bộ trên nắm được các thông tin chắc chắn rằng các máy bay chiến đấu của Ukraine đã bay đến Romania và các nước láng giềng khác. Người phát ngôn này cho biết thêm việc sử dụng các căn cứ không quân tại các nước láng giềng để tiếp nhận các máy bay quân sự Ukraine, qua đó hỗ trợ các hoạt động sử dụng vũ lực nhằm vào quân đội Nga, sẽ bị coi là tham gia vào một cuộc xung đột có vũ trang. Theo người phát ngôn Konashenkov, hầu hết các máy bay có khả năng sẵn sàng tác chiến của Ukraine đã bị vô hiệu hóa. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ Moskva sẽ coi mọi quốc gia áp lệnh vùng cấm bay tại Ukraine là tham gia vào một cuộc xung đột quân sự.
Ngày 24/2, Tổng thống Putin đã thông báo chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine nhằm đáp lại lời kêu gọi giúp đỡ của lãnh đạo các vùng lãnh thổ Donetsk và Luhansk tại miền Đông Ukraine. Ông nhấn mạnh rằng các kế hoạch của Moskva không bao gồm việc chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Ukraine mà nhằm mục tiêu là phi quân sự hóa và quy chế trung lập của Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga khẳng định quân đội nước này không tấn công vào các thành phố, mà chỉ vô hiệu hóa các cơ sở hạ tầng quân sự, vì vậy không có nguy cơ đe dọa đến dân thường.
Giới chức Nga và Ukraine đã tiến hành các vòng đàm phán tại Belarus để tìm cách giảm căng thẳng. Kiev khẳng định theo đuổi đàm phán với Nga nhưng đồng thời cũng kêu gọi quốc tế hỗ trợ vũ khí và gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Ngày 7/3, Kiev thông báo đã kiện Moskva ra tòa án của Liên hợp quốc liên quan chiến dịch quân sự này. Theo đó, Kiev đã nộp đơn kiện lên Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) từ ngày 27/2. Quá trình xem xét vụ kiện tại ICJ có thể kéo dài vài năm. Dự kiến, ICJ sẽ bắt đầu xem xét đơn kiện trong ngày 7/3 để lắng nghe các ý kiến của Ukraine. Phía Nga sẽ có phản hồi trong ngày sau đó.