Bên cạnh đó, bà Largarde cũng cho hay các cuộc trao đổi giữa IMF và Chính phủ Argentina sẽ tiếp tục.
Bà Lagarde đã gặp Bộ trưởng Kinh tế Argentina Nicolas Dujovne và Thống đốc Ngân hàng trung ương Gustavo Canonero để xem xét các đề nghị của Buenos Aires về việc đẩy nhanh giải ngân khoản vay trị giá 50 tỷ USD nhất trí hồi tháng 6. Theo Tổng giám đốc IMF, mục tiêu của các cuộc họp này nhằm nhanh chóng đạt được thỏa thuận để từ đó trình đề xuất cho Ban điều hành IMF.
Hồi tháng 5 vừa qua, trong bối cảnh thị trường hối đoái liên tục lao dốc, Chính phủ Argentina đã phải áp dụng một loạt các biện pháp mạnh như tăng lãi suất lên mức kỷ lục 40%, bán ra thị trường hơn 10 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối, giảm mạnh chi tiêu công, song vẫn không thể ổn định thị trường và buộc phải đàm phán với IMF để vay một khoản tín dụng trị giá 50 tỷ USD nhằm tiếp tục chính sách cải cách nền kinh tế và thực hiện mục tiêu giảm thâm hụt tài chính.
Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Argentina, Văn phòng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại thủ đô Buenos Aires đã kêu gọi Chính phủ Argentina bảo vệ trẻ em và trẻ vị thành niên trước những ảnh hưởng từ tình hình khủng hoảng kinh tế hiện nay của nước này.
Thông cáo của văn phòng trên khuyến cáo Chính phủ của Tổng thống Mauricio Macri khẩn trương ưu tiên dành các nguồn bảo trợ xã hội và tăng thu nhập cho những gia đình nghèo có trẻ nhỏ, đảm bảo họ có thể tiếp cận nguồn lương thực tối thiểu và dịch vụ y tế công, đồng thời cung cấp ngân sách cho các trung tâm chăm sóc trẻ em. Ngoài ra, Chính phủ Argentina cũng cần đảm bảo dịch vụ giáo dục phổ thông, áp dụng chính sách xã hội khuyến khích phụ nữ có gia đình tham gia vào hoạt động sản xuất nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. UNICEF nhấn mạnh thỏa thuận tín dụng trị giá 50 tỷ USD giữa IMF và Chính phủ Argentina để ổn định tình hình kinh tế nước này cũng bao gồm cam kết không giảm việc phân bổ ngân sách cho các chương trình xã hội.
UNICEF cảnh báo trên thực tế, nhiều biện pháp cắt giảm ngân sách Chính phủ Argentina đưa ra có ảnh hưởng đáng kể tới trẻ em. Cuộc khủng hoảng của nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ Latinh tạo ra những nguy cơ khiến trẻ em sớm bỏ học để gia nhập vào thị trường lao động, giảm số lượng cũng như chất lượng nguồn lương thực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, hoặc khiến các em trở thành nạn nhân của bạo lực.