“Vụ tấn công vào cơ sở hạ tầng đặc biệt về mặt an ninh là tiền lệ vô cùng nguy hiểm. Bất kỳ mục tiêu quan trọng nào, dù ở đâu, cũng có thể bị đe dọa. Hơn nữa, hành động khủng bố này không thể thực hiện được nếu không có sự tham gia của chính phủ. Rõ ràng, hành động phá hoại này nhằm phá vỡ hoàn toàn mối quan hệ năng lượng đôi bên cùng có lợi giữa châu Âu và Nga”, ông Antonov tuyên bố.
Theo Đại sứ Nga, mục tiêu của âm mưu này là hướng người tiêu dùng trong khu vực sang sử dụng nguồn tài nguyên đắt tiền. Có thể là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của nước ngoài hoặc các công nghệ sạch mới. Khi đó, người dân thường và toàn bộ ngành công nghiệp sẽ phải hứng chịu thiệt hại nặng nề.
Trước đó, Thụy Điển và Đan Mạch đã phát hiện 4 vị trí rò rỉ trong hai tuyến đường ống Nord Stream 1và Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga tới Đức qua biển Baltic. Trong số 4 vị trí rò rỉ này, 2 điểm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và 2 điểm thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch. Cả Nga và phương Tây đều nghi ngờ đây là hành động phá hoại có chủ đích. Song nghi phạm đứng sau vụ việc vẫn còn gây tranh cãi.
Thuỵ Điển, Đan Mạch và Đức đã mở các cuộc điều tra riêng để thu thập thông tin và tài liệu riêng về sự cố ở đường ống Nord Stream. Hôm 1/11, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Nga cũng bắt đầu điều tra nguyên nhân vụ việc.
Trong động thái mới đây nhất, Bộ Quốc phòng Nga đã cáo buộc thành viên một đơn vị thuộc Hải quân Hoàng gia Anh đóng vai trò điều phối và dàn dựng vụ phá hoại đường ống này. Về phần mình, Bộ Quốc phòng Anh đã bác bỏ cáo buộc trên nhằm đánh lạc hướng việc giải quyết xung đột Ukraine.