Dải Ngân hà của chúng ta đang trên đường đối đầu với một thiên hà với kích thước tương đương có tên Andromeda. Theo thông báo ngày 31/5 của các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học thiên văn vũ trụ tại Baltimore (Mỹ), cuộc va chạm siêu khủng này sẽ tạo ra một thiên hà “lai” hoàn toàn mới, mang hình elip thay vì hình đĩa xoắn ốc của dải Ngân hà.
Hai thiên hà sẽ va chạm trong khoảng 4 tỉ năm nữa và cuộc sáp nhập sẽ hình thành một thiên hà “lai” trong khoảng 6 tỉ năm. |
Từ lâu, các nhà thiên văn đã biết, Ngân hà và Andromeda – còn được biết đến với cái tên M31, đang lao về phía nhau với tốc độ khoảng 400.000 km/giờ. Họ cũng dự đoán, hai thiên hà này sẽ va trực diện vào nhau trong khoảng 4 tỉ năm nữa. “Đây giống như một vụ tai nạn xe hơi nghiêm trọng trong miền đất vũ trụ”, nhà thiên văn Roeland van der Marel thuộc Viện Khoa học Thiên văn vũ trụ ở Baltimore, nơi điều hành kính viễn vọng Hubble, cho biết.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, mặt trời và trái đất hầu như không có khả năng va chạm vào các ngôi sao hoặc hành tinh thuộc thiên hà Andromeda do có những khoảng không trống khổng lồ bên trong hai thiên hà. Do đó, trái đất sẽ dễ dàng sống sót trong cuộc sáp nhập với tốc độ tới 1,2 triệu dặm/giờ này. Và ngay cả với tốc độ đó, cuộc sáp nhập này cũng sẽ mất khoảng 2 tỉ năm.
Theo các nhà thiên văn, sau cuộc sáp nhật, hệ mặt trời của chúng ta sẽ ở một vị trí khác trong vũ trụ. Cuộc va chạm sẽ thay đổi mạnh mẽ quang cảnh bầu trời vào buổi đêm từ trái đất, khi thiên hà Andromeda bỗng nhiên chiếm ưu thế.
Dải Ngân hà và Andromeda có kích thước tương đường và cùng độ tuổi – khoảng 10 tỉ năm. Theo nhà thiên văn Van der Marel, khi cuộc va chạm xảy ra trong 4 tỉ năm nữa, mặt trời sẽ tồn tại thêm 2 tỉ năm trước khi tàn lụi. Tuy vậy, trước “cái chết”, mặt trời sẽ tăng kích cỡ lên quá lớn và quá nóng đến mức sự sống trên trái đất sẽ không thể tồn tại nếu không có những kỹ thuật bảo vệ.
Thu Hằng