Theo tờ Strais Times, Giáo sư Wang Linfa, nhà nghiên cứu tại Chương trình Bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Trường Y khoa Duke - NUS (Singapore) cho biết một đại dịch mới sẽ bùng phát khi virus được truyền từ người trở lại động vật. Phát hiện này được Giáo sư Wang công bố trong Hội nghị Bộ trưởng Đặc biệt về Y tế Công cộng Kỹ thuật số ASEAN hôm 6/10, với những thông tin khoa học phía sau đại dịch và những nguyên nhân có thể gây ra đại dịch trong tương lai.
Giáo sư Wang cho biết hầu hết các nhà khoa học đều tin rằng chủng gốc của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tồn tại ở loài dơi ở châu Á. Sau đó, virus này được truyền sang một động vật trung gian, có thể là tê tê hoặc cầy hương, rồi lây nhiễm sang người tại chợ hải sản Vũ Hán.
Giáo sư Wang cho rằng: “Virus này vẫn sẽ lây truyền mạnh mẽ từ người sang người. Nhưng điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là loại virus này cũng có thể dễ dàng truyền từ người trở lại động vật”.
Trước đây, đã có một số thông tin về trường hợp vật nuôi nhiễm virus SARS-CoV-2 từ chủ, nhưng không có bằng chứng xác định sự lây truyền từ vật nuôi sang chủ.
“Sẽ thật đáng lo ngại nếu con người có thể lây nhiễm cho các vật chủ mới, như dơi ở lục địa Mỹ, vốn không phải là ổ chứa virus tự nhiên”, ông Wang nói thêm.
Một tình huống có thể xảy ra là người nhiễm virus bỏ lại trái cây đang ăn dở, sau đó một con dơi tìm được và ăn trái cây đó. Lý thuyết nghiên cứu này dựa trên chuyên môn của Giáo sư Wang về miễn dịch học và động vật học dơi.
“Dơi có hệ thống miễn dịch rất độc đáo. Chúng có thể 'nuôi' một loại virus mà không phát triển bệnh. Tuy nhiên, virus vẫn có thể đột biến và truyền sang động vật X, Y hoặc Z. Vì vậy, khi virus đột biến đó truyền sang động vật X, Y, Z và đến con người, đó là khi chúng ta mắc bệnh X, Y, Z hoặc nhiễm virus SARS-CoV-3”, Giáo sư Wang giải thích.
Khi virus lây truyền giữa các loài, nó phải thay đổi lớn về mặt di truyền để thích nghi với vật chủ mới. Ông Wang nói rằng khi con người lây truyền virus cho nhiều loài khác, virus sẽ vàng đột biến nhiều hơn. Một trong những virus mới này có thể trở thành SARS-CoV-3.
Nhưng làm thế nào để các quốc gia có thể chuẩn bị đối phó với một đại dịch như vậy? Giáo sư Wang đề xuất 3 mức độ chuẩn bị.
Đầu tiên là giai đoạn trước khi virus xuất hiện. Ông Wang cho rằng chúng ta cần phải nghiên cứu những loại virus có ở các loài động vật khác nhau và động vật nào là loài mà con người buôn bán và tiêu thụ nhiều nhất. Song điều này rất khó phát hiện, vì các nhà khoa học không thể xác định loài virus cụ thể nào trong động vật có thể lây nhiễm cho con người. Do đó, để đối phó với đại dịch, các nhà khoa học sẽ cần làm việc với các cơ quan chính phủ và các tổ chức tài trợ quốc tế để đánh giá rủi ro và chuẩn bị các biện pháp đối phó giúp ngăn chặn sự lây lan của virus.
Mức độ thứ hai là giai đoạn cảnh báo sớm. Khi xuất hiện những trường hợp nghiêm trọng, bất thường tại phòng chăm sóc đặc biệt hoặc các phòng khám địa phương, đó có thể là dấu hiệu của một loại virus mới. Đây là trường hợp ở Vũ Hán, nơi các bác sĩ đã phát hiện bệnh viêm phổi nặng trong bệnh viện và kết quả chẩn đoán cho các bệnh khác đều âm tính.
Cấp độ cuối cùng, khi virus bắt đầu lây lan, biện pháp cuối cùng là phát triển vaccine và phương pháp điều trị. Nhóm nghiên cứu tại trường Duke-NUS đang nghiên cứu vấn đề này.
Giáo sư Wang là một thành viên của nhóm các nhà nghiên cứu ở Singapore đã nuôi cấy thành công virus SARS-CoV-2 sau khi nó xuất hiện ở Vũ Hán vào năm ngoái. Điều này giúp Singapore bắt đầu chế tạo các xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase để phát hiện mầm bệnh. Ông cũng là thành viên của Ủy ban khẩn cấp do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thành lập trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát COVID-19.