COVID-19 tới 6 giờ 7/10: Thế giới 237 triệu ca bệnh; Pfizer thử nghiệm tiêm đại trà

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 447.841 trường hợp mắc COVID-19 và 8.124 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu trên 237 triệu ca, trong đó trên 4,8 triệu người không qua khỏi.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại La Habana, Cuba, ngày 2/10/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 7/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 237.046.376 ca, trong đó có 4.839.369 người tử vong.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh  và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu đều chứng kiến số ca tử vong và mắc mới có xu thế giảm.

Chỉ còn vài nước tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta. Trong số này, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Nga và Brazil số ca mắc mới vẫn cao. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới với trên 100.000 ca, trong khi số ca tử vong cũng dẫn đầu với trên 2.000 trường hợp.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga. Ảnh: THX/TTXVN

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 213 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 18 triệu ca và trên 96.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 6/10, thế giới có 128 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 105 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là ba nước bị ảnh hưởng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ (44.838.447 ca) tương đương 1/5 số ca nhiễm thế giới, trong khi số ca tử vong (727.034 ca) tương đương hơn 1/6 số ca tử vong trên thế giới. Ấn Độ hiện đứng thứ hai về số ca nhiễm (hơn 33,8 triệu ca), Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (hơn 598.000 ca).

Ấn Độ ghi nhận 18.833 ca mới và 278 ca tử vong. Số ca mới đang ở mức thấp nhất và tỷ lệ hồi phục đạt mức cao nhất (97,94 %) kể từ đợt bùng phát vào tháng 3/2020 tại nước này. Tính đến nay, Ấn Độ ghi nhận 33,87 triệu ca mắc, 449.538 ca tử vong và hiện đang còn 246.687 ca dương tính. Theo thống kê của Bộ Y tế nước này, đã có hơn 920 triệu liều vaccine được tiêm trên toàn quốc. Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm, 100% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một mũi vaccine.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Hãng Pfizer/BioNTech cho người dân tại Dublin, Đức ngày 29/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, Nga ghi nhận 929 ca tử vong, số ca tử vong theo ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, nâng tổng số người không qua khỏi ở nước này lên hơn 212.000 ca. Số ca mắc mới tiếp tục tăng trong ngày thứ 5 liên tiếp với hơn 25.000 ca, đưa tổng số ca nhiễm của nước này lên trên 7,6 triệu ca. Đặc biệt, thủ đô Moskva có gần 3.600 ca mới, thành phố St. Peterburg có hơn 2.100 ca mới.

Trong khi đó, Ba Lan ghi nhận 2.085 ca mắc mới, tăng khoảng 70% so với một tuần trước. Con số này cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ 4 sẽ nghiêm trọng. Thứ trưởng Y tế Waldemar Kraska nhận định: "Số liệu của hôm nay là một cảnh báo đỏ". Thứ trưởng Kraska cho biết Chính phủ Ba Lan không có kế hoạch tái áp đặt các quy định hạn chế với quy mô lớn như trong các đợt bùng phát trước. Theo quan chức này, "nếu phải áp đặt bất cứ hạn chế nào về kinh tế, sẽ chỉ là ở quy mô nhỏ hơn như phạm vi quận, thị trấn".

Ủy ban quốc gia về điều phối hoạt động tiêm chủng ngừa COVID-19 (CNCAV) của Romania cảnh báo số ca mắc và tử vong ở nước này có thể lên mức cao kỷ lục. Tính theo tuần, hiện Romania đang có số ca mắc mới và tử vong cao nhất Liên minh châu Âu (EU) và đứng thứ 6 trên toàn thế giới, với hơn 11.000 ca mắc mới mỗi ngày, vượt xa mức trung bình của cả châu Âu và thế giới. Tỷ lệ tử vong tại nước này cũng cao hơn 2,65 lần so với mức trung bình của châu Âu và 6,34 lần so với mức trung bình của thế giới.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP /TTXVN

Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định làn sóng lây nhiễm thứ 4 này có thể kéo dài ít nhất cho đến giữa tháng 11 và tác động lớn hơn những đợt trước. Hiện Romania là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất EU. Theo dữ liệu của CNCAV, trong khi 52% tổng số người châu Âu được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ, thì tại Romania, con số này chỉ là 28%.

Trước bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại các nước, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã đưa ra cảnh báo về làn sóng tử vong mới tại châu lục này. ECDC cho rằng trong 2 tháng tới các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp tại châu Âu sẽ chứng kiến “sự gia tăng đáng kể số ca mắc COVID-19, số ca nhập viện và tỷ lệ tử vong do sự lây lan virus SARS-Cov-2 tại đây rất cao”.

ECDC nhấn mạnh ngay cả những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn có nguy cơ mắc bệnh và tiến triển nặng. Hiện chỉ 61% tổng dân số Liên minh châu Âu (EU) đã tiêm chủng và tỷ lệ này còn thấp ở khu vực Đông và Nam Âu.

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại khu vực Trung Đông, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tuyên bố đã vượt qua cuộc khủng hoảng vì đại dịch COVID-19, đồng thời thông báo ghi nhận số ca mắc mới trong một tháng thấp nhất kể từ mùa Hè 2020.

Theo giới chức UAE, 7 tiểu vương quốc ghi nhận chưa đến 200 ca mắc mới trong tháng qua và đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020. Hiện cuộc sống tại UAE gần như đã trở lại bình thường nhưng một số quy định phòng dịch vẫn được áp dụng như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Đến nay, UAE ghi nhận khoảng hơn 737.000 ca COVID-19, trong đó có 2.104 ca tử vong.

Bộ Y tế Israel cũng cho biết tình hình dịch COVID-19 tại nước này tiếp tục ghi nhận những dấu hiệu khả quan và chính phủ sẽ thận trọng xem xét việc nới lỏng thêm các biện pháp giãn cách xã hội. Cụ thể, số ca mắc mới và ca tử vong tại Israel đều giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 1/8. Tỷ lệ dương tính trong tổng số trường hợp xét nghiệm giảm còn 2,32%. Hệ số lây nhiễm tiếp tục được thu hẹp. Theo Bộ Y tế Israel, đồ thị dịch COVID-19 tại nước này đang đi xuống là nhờ có thêm nhiều người được tiêm phòng.

Chú thích ảnh
Các nhà sư đăng ký tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia,ngày 29/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 6/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 27.625 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước; Trong khi tổng số ca tử vong tới nay tăng lên trên 266.100 người.

Số ca mắc mới của toàn khối ở tiếp tục xu thế giảm của mấy ngày gần đây. Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Lào, Thái Lan, Campuchia, Brunei và Việt Nam.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm mạnh. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt. Trong 1 ngày qua, “quốc gia vạn đảo” ghi nhận trên 1.000 ca bệnh mới và chỉ có 75 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Khách du lịch tại bãi biển Patong ở Phuket, Thái Lan, ngày 14/8/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Ngày 6/10, Philippines chứng kiến số ca mắc mới và tử vong cao nhất Đông Nam Á. Malaysia tình hình dịch bệnh cũng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Song trong ngày 6/10, Malaysia tiếp tục không công bố số liệu dịch bệnh.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 1.717 ca mắc mới và 41 ca tử vong. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.

Thái Lan là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng mạnh trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 6/10 ghi nhận thêm trên 9.800 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 102 người, đứng thứ hai toàn khối.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Makassar, Indonesia, ngày 4/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Campuchia có xu thể dịch đi ngang mấy ngày trước đây, với 221 bệnh nhân mới và 13 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 266.162 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 351 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên trên 12,3 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 11,4 triệu trường hợp.

Nhìn chung, toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 7/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới, trong khi 3 nước không công khai số liệu.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 Janssen của Hãng dược phẩm Mỹ Johnson & Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 6/10, hãng dược phẩm Pfizer Inc của Mỹ thông báo tiến hành nghiên cứu hiệu quả thực tiễn của vaccine phòng COVID-19 do hãng phát triển bằng cách tiêm phòng cho toàn bộ người dân trên 12 tuổi của một thị trấn ở miền Nam Brazil.

Theo đó, nghiên cứu sẽ được thực hiện ở thị trấn Toledo, với dân số 143.000 người ở phía Tây bang Parana. Chương trình tiêm chủng quốc gia Brazil, giới chức y tế địa phương, một bệnh viện và một trường đại học liên bang sẽ phối hợp với Pfizer trong dự án này. Pfizer cho biết mục đích của dự án là nghiên cứu về sự lây nhiễm của virus trong môi trường thực tế sau khi người dân đã được tiêm phòng. Theo Pfizer, đây là sáng kiến đầu tiên và cũng là duy nhất được công ty phối hợp thực hiện ở một quốc gia đang phát triển.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Hãng dược phẩm Johnson & Johnson tại trung tâm y tế ở Boston, Massachusetts (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Một nghiên cứu tương tự đã được Viện Butantan, một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu Brazil về dược sinh học, tại thị tấn Serrana ở bang Sao Paolo, với vaccine Corona Vac của hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc).

Hồi tháng 5, Butanta cho biết việc tiêm phòng trên diện rộng tại thị trấn 45.644 dân đã giúp giảm 95% nguy cơ tử vong vì COVID-19. Viện này đang xem xét mở rộng nghiên cứu với việc tiến hành tiêm mũi thứ 3.

Theo nhà nghiên cứu Reggis Goulart, từ bệnh viện Moinhos de Vento ở Toledo, mục đích của dự án là đánh giá mức độ hiệu quả và an toàn trên thực tế của vaccine so với trong thử nghiệm lâm sàng. Nghiên cứu này cũng là một cơ hội để theo dõi trong lâu dài (tối đa 1 năm )với những người tham gia và để tìm ra câu trả lời cho những vấn đề như thời gian vaccine có hiệu lực bảo vệ và hiệu quả trước các biến thể mới.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 6/10: Toàn khối trên 266.000 ca tử vong; Lào đẩy nhanh tiêm vaccine cho học sinh
COVID-19 tại ASEAN hết 6/10: Toàn khối trên 266.000 ca tử vong; Lào đẩy nhanh tiêm vaccine cho học sinh

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 6/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 27.625 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước; Trong khi tổng số ca tử vong tới nay tăng lên trên 266.100 người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN