WHO tiết lộ SARS-CoV-2 có thể truyền từ dơi sang người qua động vật khác

Điều tra chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung Quốc về nguồn gốc đại dịch COVID-19 cho rằng virus SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền từ dơi sang người thông qua một động vật khác.

Chú thích ảnh
Một thành viên của nhóm Tổ chức Y tế Thế giới mặc đồ bảo hộ trong chuyến thăm thực tế tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Động vật Hồ Bắc. Ảnh: AP

Ngày 29/3, hãng tin AP (Mỹ) đã nhận được tài liệu dường như là báo cáo gần cuối cùng của các chuyên gia WHO và Trung Quốc về nghiên cứu nguồn gốc virus SARS-CoV-2 từ một nhà ngoại giao giấu tên của quốc gia thành viên WHO. Tài liệu cho biết virus SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền từ dơi sang người thông qua một động vật khác và cho rằng giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm “rất khó xảy ra”. 

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra 4 giả thuyết để xác định khả năng xuất hiện của loại virus SARS-CoV-2. Họ kết luận giả thuyết virus lây truyền thông qua động vật trung gian là "có khả năng" đến "rất có khả năng". Trong khi đó, giả thuyết COVID-19 lây trực tiếp từ dơi sang người là "có khả năng". Giả thuyết lây truyền qua thực phẩm đông có thể xảy ra nhưng ít khả năng.

Họ hàng gần nhất của virus gây bệnh COVID-19 đã được tìm thấy ở dơi, loài vật mang virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, báo cáo cho rằng “khoảng cách tiến hóa giữa dơi và virus SARS-CoV-2 được ước tính là vài thập kỷ, cho thấy giả thuyết này còn thiếu liên hệ”.

Nghiên cứu cho biết virus tương tự cũng được phát hiện ở tê tê. Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng chồn và mèo cũng dễ mắc COVID-19. Điều này cho thấy chúng có thể là loài vật mang mầm bệnh.

Việc công bố kết quả nghiên cứu liên quan đến nguồn gốc của đại dịch COVID-19 đã nhiều lần bị trì hoãn. Một quan chức của WHO hy vọng báo cáo sẽ được công bố sau vài ngày nữa.

Chú thích ảnh
Một ngôi đền ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc hôm 9/2/2021. Ảnh: AP

Báo cáo này chủ yếu dựa vào cuộc điều tra hồi cuối tháng 1 và đầu tháng 2 năm nay của nhóm chuyên gia quốc tế của WHO tại Vũ Hán, nơi đầu tiên phát hiện bệnh COVID-19.

Ông Peter Ben Embarek, chuyên gia của WHO, người dẫn đầu phái đoàn đến Vũ Hán, cho biết hôm 26/3 rằng báo cáo đã được hoàn thiện và đang được rà soát lại và dịch sang các ngôn ngữ khác nhau.

Báo cáo dự thảo cũng không đưa ra kết luận việc liệu dịch bệnh có bắt nguồn từ chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, nơi phát hiện các ca bệnh đầu tiên hồi tháng 12/2019, hay không. 

Việc phát hiện các trường hợp mắc bệnh khác trước ổ dịch tại khu chợ hải sản này cho thấy dịch bệnh có thể bắt nguồn từ một nơi khác. Nhưng báo cáo lưu ý rằng có thể những trường hợp nhẹ hơn không bị phát hiện và đó có thể là mối liên hệ giữa khu chợ và các trường hợp trước đó.

“Không có kết luận chắc chắn nào về vai trò của chợ hải sản Hoa Nam đối với nguồn gốc của dịch bệnh, hoặc cách thức lây nhiễm được đưa vào khu chợ này”, báo cáo cho biết. 

Khi đại dịch lây lan ra toàn cầu, Trung Quốc cũng đã tìm thấy các mẫu virus trên bao bì thực phẩm đông lạnh được đưa vào nước này. Trong một số trường hợp, họ đã truy vết được các ổ dịch liên quan đến giả thuyết này.

“Mặc dù có một số bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể lây lan qua việc xử lý các sản phẩm đông lạnh nhập khẩu nhiễm virus từ làn sóng dịch bệnh đầu tiên, nhưng điều này sẽ rất khó xảy ra vào năm 2019 khi virus chưa bùng phát rộng rãi”, nghiên cứu cho biết.

Hải Vân/Báo Tin tức
Mỹ quan ngại về báo cáo kết luận nguồn gốc COVID-19 của WHO
Mỹ quan ngại về báo cáo kết luận nguồn gốc COVID-19 của WHO

Giới chức hàng đầu trong chính quyền Mỹ ngày 29/3 bày tỏ lo ngại về cách thức soạn thảo, công bố báo cáo về nguồn gốc đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN