Ông Kaveh Zahedi, Phó thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của LHQ cho rằng, nếu nền kinh tế ĐNA suy giảm khoảng 5% (kịch bản lạc quan nhất theo một số dự đoán), thì khu vực này có thể sẽ có thêm khoảng 15 triệu người rơi vào diện nghèo.
Đại dịch COVID-19 đã khiến số lượng người mất việc ở ĐNA tăng lên mức kỷ lục trong nhiều năm, trong khi những người giữ được việc làm thì bị giảm thu nhập. Đồng thời, tình trạng vô gia cư và suy dinh dưỡng lại một lần nữa trở thành vấn đề được quan tâm.
Một báo cáo mới công bố tháng này của Ngân hàng Thế giới ước tính hơn 80% hộ gia đình ở Myanmar đã bị giảm thu nhập trong năm nay. Tình hình cũng tương tự ở Campuchia và Indonesia. Riêng Việt Nam được cho là chống chọi với khủng hoảng tốt hơn hầu hết các quốc gia ĐNA khác, song cũng có gần 40% số hộ gia đình có thu nhập bị ảnh hưởng tính đến thời điểm này.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tính toán tỷ lệ người nghèo ở Indonesia - được định nghĩa là thu nhập dưới 1,35 USD/ngày - có thể tăng lên 12,8% so với mức 9,2% của năm ngoái. Mức tăng gần 4 điểm phần trăm đó đồng nghĩa đã có thêm 11 triệu người ở quốc gia đông dân thứ tư thế giới rơi vào diện nghèo.
Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia của Thái Lan tháng trước ước tính rằng số người nghèo ở nước này có thể vượt quá 6,7 triệu người trong năm nay, chiếm gần một phần mười dân số.
Theo dự báo của UNDP, số người nghèo ở Campuchia có thể tăng gần gấp đôi lên 17,6%, tức là sẽ có thêm khoảng 1,3 triệu người sẽ bị đẩy xuống nhóm nghèo khổ. Báo cáo ước tính tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng gần gấp bảy lần trong năm nay.
Với những số liệu đáng báo động như trên, vấn đề đặt ra là các nước ĐNA cần nỗ lực ra sao để giảm số lượng người nghèo càng nhanh càng tốt, sau khi đại dịch COVID-19 qua đi.
Nhiều nhà phân tích cho rằng trong 3 thập kỷ qua, các nước khu vực Đông Á nói chung và ĐNA nói riêng đã rất thành công trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhờ sự ổn định về chính trị, các nỗ lực phát triển hoạt động chế tạo và tham gia sâu vào chuỗi thương mại toàn cầu. Vì vậy, các nỗ lực phục hồi sau đại dịch ngoài việc chi mạnh tay cho các gói kích thích kinh tế cũng cần tập trung nhiều hơn cho an sinh xã hội và tính bền vững trong tăng trưởng kinh tế.