Ông Andres Castaneda Aguliar, một nhà kinh tế thuộc bộ phận phát triển kinh tế tại Ngân hàng Thế giới và là một trong 4 tác giả của báo cáo trên, giải thích rằng “nguyên nhân là do tốc độ tăng trưởng của các nước nghèo nhất trên thế giới”. Theo công bố của WB, số người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực có thể tăng trong năm nay từ 70 triệu người lên 100 triệu người do tác động kinh tế của đại dịch COVID-19, so với con số ước tính từ 40 triệu đến 60 triệu người vào tháng 4. Sự gia tăng này sẽ xóa đi những tiến bộ đạt được trong những năm gần đây trong cuộc chiến chống đói nghèo và có thể làm khó khăn cho mục tiêu chấm dứt nghèo đói cùng cực vào năm 2030.
Báo cáo lưu ý rằng “Nigeria, Ấn Độ và Cộng hòa Dân chủ Congo là 3 quốc gia mà WB tin rằng chiếm hơn 1/3 số người nghèo nhất trên thế giới. Các quốc gia này dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người lần lượt là -0,8%, + 2,1% và + 0,3%". Trong khi đó, tỷ lệ tăng dân số đồng thời của ba quốc gia này là 2,6%, 1% và 3,1%.
Trong một báo cáo trước đây, nhóm tác giả này đã chỉ ra rằng các nước châu Phi cận Sahara có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi số lượng người nghèo mới. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhóm tác giả này lại lưu ý đến tình trạng "đặc biệt đáng lo ngại ở Ấn Độ, nơi sẽ có nhiều người nghèo đói trên thế giới". Theo ước tính mới nhất của nhóm tác giả, tình hình là "không thay đổi" đối với châu Phi cận Sahara, tuy nhiên, khu vực Nam Á có thể trải qua sự gia tăng lớn hơn về số lượng người nghèo mới do đại dịch COVID-19.