Trong bài phát biểu tại Đại học Michigan, Đặc phái viên Biegun cho rằng cả Mỹ và Triều Tiên cần phải phối hợp để đảm bảo tiến trình phi hạt nhân hóa và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Ông nói: “Vào thời điểm hiện tại, để thúc đẩy tiến triển trong đàm phán, bước quan trọng nhất chúng ta có thể thực hiện là cả Mỹ và Triều Tiên cùng phối hợp để vượt qua các bất đồng trong chính sách và dừng các động thái thù địch, từ đó tạo điều kiện cho các nhà ngoại giao thảo luận cũng như duy trì nhịp đàm phán”.
Theo Đặc phái viên Biegun, Triều Tiên cần phải dỡ bỏ những trở ngại trong đàm phán và tìm kiến các cơ hội để triển khai phi hạt nhân hóa, trong khi Washington sẵn sàng quay trở lại đối thoại ngay khi biết được đây là điều mà Bình Nhưỡng mong muốn.
Cũng trong bài phát biểu, Đặc phái viên Biegun đã đề cập tới mối đe dọa gia tăng trong khu vực liên quan tới chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên, ví dụ như khả năng Nhật Bản hay Hàn Quốc cân nhắc trang bị các năng lực hạt nhân để phòng vệ.
Theo Đặc phái viên Biegun, nếu căng thẳng có thể được hạ nhiệt, quân đội Mỹ đóng tại Hàn Quốc sẽ không còn cần phải duy trì ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Đặc phái viên Biegun nói: “Quân đội Mỹ có thể tham gia các hoạt động nhằm duy trì hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Và nếu chúng ta có thể thúc đẩy hòa bình bền vững, cũng như triển khai các biện pháp hợp tác đa dạng, cả hai nước sẽ nhận được những thành quả chung có được từ quá trình đàm phán thẳng thắn. Đây là tầm nhìn của Tổng thống Donald Trump và ông tin rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng chia sẻ tầm nhìn này”.
Bài phát biểu của Đặc phái viên Biegun được đưa ra trong thời điểm cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn bế tắc. Trong thời gian qua, Triều Tiên đã tiến hành tổng cộng 7 vụ phóng thử các vật thể bay mà phương Tây cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Ngày 24/8 vừa qua, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) nhấn mạnh Bình Nhưỡng "không còn quan tâm" tới những biện pháp nới lỏng trừng phạt từ Mỹ và sẽ không từ bỏ "an ninh chiến lược" để đổi lấy nới lỏng trừng phạt. KCNA khẳng định các biện pháp trừng phạt, gia tăng sức ép hay nới lỏng trừng phạt đều không có tác dụng đối với Triều Tiên và không thể buộc Triều Tiên thay đổi.