Chưa bao giờ người dân Pháp lại do dự đến vậy trong việc quyết định bỏ phiếu cho ai. Trong khi vào thời điểm tương tự ở cả 2 cuộc bầu cử trước (năm 2012 và 2007) các cử tri đều đã có lựa chọn cho riêng mình. Có thể nói, trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, những diễn biến bất ngờ thời gian qua về các vụ bê bối tài chính liên quan các ứng cử viên đã khiến người dân Pháp "mất phương hướng" trong việc đưa ra quyết định bầu chọn.
Ứng viên tranh cử Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc vận động tranh cử ở Lyon ngày 4/2. Ảnh:AFP/TTXVN |
Theo kết quả thăm dò, 82% số người ủng hộ đảng cực hữu "Mặt trận Quốc gia" (FN) tuyên bố đã có lựa chọn, trong khi tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều đối với những người có thiện cảm với cánh tả (48%) và những người ủng hộ cánh hữu (51%). Cử tri trẻ, dưới 25 tuổi, là những người do dự nhất. Họ tuyên bố không thật sự tin tưởng vào bất kỳ ứng cử viên nào. Điều này cũng đưa ra dự báo, theo đó tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sẽ thấp trong các ngày 23/4 và 7/5, hai vòng của cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Ứng cử viên đảng "Những người Cộng hòa" (LR) François Fillon (Phrăng-xoa Phi-ông) vẫn nhận được sự ủng hộ cao của cử tri cánh hữu (70%). Tuy nhiên, số cử tri không có ý định bỏ phiếu cho ông đang tăng lên từng ngày. Theo một cuộc thăm dò qua điện thoại trong các ngày 17-18/2 với hơn 1.000 người trên 18 tuổi, 65% số người được hỏi muốn ứng cử viên Fillon rút khỏi cuộc đua, chỉ có 33% ủng hộ và 2% không đưa ra quan điểm.
Trong đoạn băng đăng trên tài khoản cá nhân ngày 19/2, ứng cử viên Fillon đã cảm ơn và kêu gọi cử tri tiếp tục ủng hộ mình. Ông cũng khẳng định quyết tâm đến cùng trong cuộc đua này bởi theo ông, chỉ có chương trình tranh cử của ông là "đủ khả năng chấn hưng và đảm bảo an ninh cho nước Pháp". Quyết tâm của chính khách này còn được thể hiện trong tuyên bố ngày 16/2, khi Viện Công tố tài chính quốc gia (PNF) Pháp thông báo tiếp tục điều tra về vụ "Penelopegate", về việc ông bị cáo buộc tạo việc làm giả cho vợ con.
Các bất ngờ liên tiếp thời gian qua trên chính trường nước Pháp đang có lợi cho ứng cử viên trung dung, cựu Bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron, người theo đường lối kinh tế tự do và cởi mở, nhấn mạnh vào vấn đề minh bạch tài chính và các giá trị yêu nước, giá trị tự do, bình đẳng, bác ái. Sự năng động và khôn ngoan của ông đã khiến ông trở thành "ngôi sao" đang lên và ngày càng thu hút nhiều cử tri của cả hai phía, tả cũng như hữu.