Nghiên cứu đầu tiên về tác động xã hội không cân xứng của dịch COVID-19 được Cơ quan thống kê quốc gia Italy (ISTAT) công bố ngày 3/7 đã phơi bày hậu quả khốc liệt đối với người nghèo tại quốc gia này. Trong báo cáo hằng năm, ISTAT đã nghiên cứu tỷ lệ tử vong từng tháng trong giai đoạn từ tháng 1/2019 tới tháng 3/2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, tập trung vào trình độ giáo dục của những người xấu số. Xét trung bình, những người Italy ra trường sớm với ít kiến thức có tuổi thọ thấp hơn những người học lâu hơn, và "tỷ lệ tử vong cao hơn mức bình thường" này vẫn tiếp tục duy trì cho tới tháng 2 năm nay.
Tuy nhiên, trong tháng 3, tỷ lệ tử vong ở những người có trình độ học vấn thấp hơn trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã tăng từ mức 1,23 cách đấy một năm lên 1,38 đối với nam giới, và "nhảy vọt" từ mức 1,08 lên 1,36 đối với nữ giới. Trong nhóm tuổi từ 65-79, tỷ lệ tử vong cao hơn bình thường đối với nam giới có ít bằng cấp tăng từ mức 1,28 năm trước đó lên mức 1,58. Trong khi con số này ở nữ giới tăng từ 1,68 lên 1,9.
Cũng theo báo cáo của ISTAT, các điều kiện kinh tế-xã hội thua thiệt khiến những người nghèo có nguy cơ phải sống trong các nơi ở đông đúc và chật hẹp, cản trở việc thực thi các biện pháp giãn cách xã hội. Những người có thu nhập thấp cũng là nhóm đối tượng có khả năng phải làm việc trong thời gian áp đặt lệnh phong tỏa cao hơn so với nhóm có thu nhập cao hơn xét trên các lĩnh vực như nông nghiệp, giao thông công cộng và hỗ trợ người cao tuổi. Báo cáo kết luận dịch COVID-19 đã "làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vốn đã hiện hữu trước đó".
Italy là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 trên thế giới với gần 35.000 ca tử vong kể từ khi dịch bệnh nguy hiểm bùng phát tại nước này từ ngày 21/2.