Cựu Tổng thống Mỹ tiết lộ ông biết Tổng thống Nga Vladimir Putin “khá rõ”, bởi cả hai người đều có chung sở thích câu cá. Khi ông Carter gặp nhà lãnh đạo Nga hồi tháng 4 vừa qua cùng một số nhà lãnh đạo thế giới để thảo luận khủng hoảng tại Syria, Ukraine, ông chủ Điện Kremlin đã trao đổi địa chỉ hòm thư điện tử (email) cá nhân, để cả hai có thể thảo luận những kinh nghiệm câu cá bằng ruồi nhân tạo – cựu Tổng thống Mỹ bày tỏ.
Can dự của Nga tại Syria – điều mà giới chức cáo buộc Nga không kích quân nổi dậy ôn hòa hơn là IS, đã trở thành chủ đề thảo luận giữa hai bên. Ông Carter cho biết đã chuyển cho Moskva các bản đồ về vị trí đóng quân của IS tại Syria thông qua Đại sứ quán Nga ở Washington, giúp Nga nâng cao tính hiệu quả, chính xác của các đòn không kích. “Tôi đã chuyển (cho ông Putin) một tin nhắn vào hôm 15/10 và hỏi liệu ông ta có cần các bản đồ photo để ném bom chính xác vị trí ở Syria. Ngày hôm sau, Đại sứ Nga ở Washington gọi lại và bảo họ rất muốn có bản đồ đó. Vì thế, nếu thời gian tới phía có ném bom sai địa chỉ, thì các bạn nên nhớ rằng đó là lỗi của tôi, chứ không phải là lỗi của ông Putin”, ông Carter chia sẻ trên kênh truyền hình NBC News với vẻ hóm hỉnh.
Máy bay Nga tham gia không kích các mục tiêu IS tại Syria. Ảnh: AFP |
Quan chức chính quyền Mỹ đã công khai tuyên bố Washington không hợp tác với Nga trong vấn đề Syria, một khi Moskva cố tìm cách củng cố chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, nhằm vào các mục tiêu của quân nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn. Theo quan điểm của Nhà Trắng, ông Assad bắt buộc phải thoái lui và đây là một phần của giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc nội chiến đã kéo dài hơn 4 năm qua ở Syria. Tuy nhiên, cựu Tổng thống Mỹ dường như đã hướng tới ông Putin trong chiến dịch diệt trừ khủng bố, muốn Moskva và Washington đạt được nền tảng và nhận thức chung về chống IS tại Syria.
Bà Elissa Smith, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, từ chối bình luận về việc liệu Lầu Năm góc có hay biết gì về phản ứng của ông Carter với Tổng thống Nga hay không. “Tôi không thể khẳng định thông tin liệu ai đó ở Lầu Năm góc có biết việc ông Carter cung cấp bản đồ cho Đại sứ quán Nga hay không”, bà Smith bày tỏ qua thư cá nhân. Đại sứ quán Nga tại Mỹ cũng từ chối bình luận về thông tin này.
Trước đó, ông Carter không ngần ngại bày tỏ sự ủng hộ đối với cách hành xử của Moskva trong khủng hoảng Ukraine. Tại cuộc gặp với Tổng thống Putin hồi đầu năm 2015, cựu Tổng thống Mỹ nói rằng việc Crimea sáp nhập vào Nga là điều “không thể khác được”, đó là nguyện vọng của người dân vùng lãnh thổ này - cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt đối với Mỹ và các đồng minh phương Tây. Chính ông cũng tuyên bố Mỹ không nên áp đặt cấm vận chống Nga, kèm theo đó là lời khẳng định “ông Putin sẽ không sử dụng” vũ lực trong vấn đề miền Đông ở Ukraine.
Trên thực địa, các cuộc không kích của Nga đã tạo đà thuận lợi cho quân đội Syria đẩy mạnh phản công nhằm giành lại các vùng lãnh thổ từng rơi vào tay khủng bố IS và lực lượng nổi dậy. Vòng cung đang được các lực lượng trung thành với Tổng thống Assad khép chặt tại Aleppo, thành phố và là trung tâm kinh tế lớn nhất ở Syria.
Trong một diễn biến khác, Lầu Năm góc ngày 20/10 cho biết Mỹ đã ký thỏa thuận với Nga về các nguyên tắc bảo đảm an toàn bay trên không phận Syria, tại thời điểm cả hai đều mở các cuộc không kích nhằm vào phiến quân IS. Thư ký báo chí Lầu Năm góc Peter Cook nói rằng, Bản ghi nhớ này không thiết lập “vùng hợp tác” giữa hai bên, không đề cập đến chia sẻ thông tin tình báo và không phải là dấu hiệu Mỹ hợp tác hay hỗ trợ chính sách của Nga ở Syria.