Trước đó, đương kim Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã nhiều lần đề cử bà Rousseff đảm nhận chức Chủ tịch Ngân hàng NDB thay thế nhà ngoại giao Marcos Troyjo - người được chính phủ của cựu Tổng thống Jair Bolsonaro (2019-2022) tiến cử.
Theo thông báo của Ngân hàng NDB, bà Rousseff sẽ lãnh đạo tổ chức tài chính này từ nay cho đến tháng 7/2025.
Ngân hàng NDB được các quốc gia thuộc nhóm BRICS thành lập trên cơ sở thỏa thuận liên chính phủ được ký kết tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 6 ở Fortaleza vào tháng 7/2014. Mục tiêu của ngân hàng trên là tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và dự án phát triển bền vững ở các quốc gia thành viên BRICS và các nước đang phát triển.
Ngân hàng này trước đây đã nhận được xếp hạng tín nhiệm quốc tế "АА+" từ Fitch Ratings và S&P Global Ratings, cho phép họ thu hút hiệu quả nguồn vốn dài hạn trên thị trường vốn quốc tế và địa phương.
Kể từ khi thành lập, NDB đã phê duyệt hơn 90 dự án với tổng trị giá 32 tỷ USD để hỗ trợ các lĩnh vực như giao thông, nước, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật số, cũng như xây dựng đô thị.
Ngân hàng NDB đã bắt đầu mở rộng thành viên vào năm 2021, bằng cách chấp nhận đơn gia nhập của Bangladesh, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Uruguay và Ai Cập.