Sau nhiều tuần làm việc từ xa, Zhuang Xue chọn đi tàu điện ngầm trong ngày đầu quay trở lại văn phòng làm việc. Dù cảm thấy cuộc sống đã dần trở lại yên bình, nhưng Zhuang vẫn thận trọng đeo khẩu trang y tế, kính bảo hộ, mang theo khăn khử trùng và một chai nước cá nhân.
Cô gái 29 tuổi làm việc tại công ty mua hàngcùng với các nhân viên văn phòng khác cuối cùng cũng đã được cho phép đến văn phòng làm việc của họ ở Bắc Kinh vào hôm 9/3, nơi hầu như không có trường hợp nhiễm COVID-19 nào được ghi nhận trong những ngày gần đây.
Nhà chức trách Trung Quốc đã quyết định kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán bắt đầu từ cuối tháng 1, yêu cầu hầu hết công nhân trong thành phố làm việc tại nhà nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus đã lây nhiễm cho hơn 110.000 trên toàn thế giới, hầu hết là ở Trung Quốc.
Chiếc kính của Zhuang mờ đi trong thời tiết giá lạnh buổi sớm khi cô rời khỏi tàu điện ngầm. Zhuang cho biết cô đã chuẩn bị cho thời điểm này trong nhiều tuần, tập thể dục tại nhà và cố gắng ăn uống lành mạnh nhất có thể để tăng cường hệ miễn dịch.
Mặc dù cuộc sống chưa quay lại như bình thường, tâm lý lo sợ vẫn hiện hữu ở nhiều nơi, nhưng chính phủ đang thực hiện các biện pháp tiếp cận dần dần để “hồi sinh” những hoạt động thường ngày cho người dân.
Chính quyền thành phố Bắc Kinh yêu cầu số lượng người trong mỗi văn phòng chỉ được giới hạn ở mức 50% số nhân viên ngày thường. Đồng thời, mọi người được khuyến nghị đeo khẩu trang bảo vệ, nhân viên văn phòng phải ngồi cách nhau ít nhất 1 mét và không được phép ngồi đối diện nhau khi ăn uống.
Các biện pháp tương tự cũng đã được thực hiện theo những mức độ khác nhau ở nhiều khu vực trên khắp cả nước khi số lượng các ca nhiễm mới đang giảm dần.
Tính đến sáng 10/3, Trung Quốc đã ghi nhận 19 trường hợp mới nhiễm COVID-19. Trong khi vào tháng trước, số lượng các ca nhiễm mới tại nước này hàng ngày ghi nhận hàng nghìn người. Theo Uỷ ban Y tế Quốc gia, cho đến thời điểm hiện tại, ít nhất 59.000 bệnh nhân đã hồi phục và số ca tử vong cũng đã giảm dần tại Trung Quốc Đại lục.
Trong khi nhiều thành phố Trung Quốc đang “hồi sinh” một số hoạt động thường ngày, các quốc gia khác đang phải kiểm soát dịch bệnh lây lan nhanh chóng như hạn chế các cuộc tụ họp công cộng, khuyến khích làm việc từ xa và phong toả các khu vực bị ảnh hưởng, đặc biệt là Italy.
“Ở nước ngoài, dịch bệnh đang lây lan nghiêm trọng hơn. Tôi nghĩ rằng việc kiểm soát dịch bệnh ở Trung Quốc đang trở nên tốt dần. Mọi hoạt động đang trở lại bình thường”, Yang Tianxiao, một nhân viên tài chính, đã trở lại văn phòng làm việc của mình được vài tuần, chia sẻ.
Các công xưởng sản xuất điện thoại thông minh, các nhà máy sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới tại Trung Quốc và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác cũng đã dần mở cửa trở lại nhưng dự kiến sẽ chỉ có thể đạt năng suất thông thường cho đến ít nhất tháng 4. Bên cạnh đó, ngành du lịch vẫn còn hạn chế ở nhiều khu vực khiến nhân viên khó quay trở lại làm việc.
Dịch bệnh đã làm gián đoạn việc nhập khẩu linh kiện và nguyên vật liệu từ các quốc gia láng giềng châu Á cũng như việc xuất khẩu của Trung Quốc. Hôm 7/3, Chính phủ Trung Quốc đã báo cáo hoạt động xuất khẩu của nước này giảm 17% và hoạt động nhập khẩu giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quá trình hồi phục có thể đến rất muộn vì một số chủ doanh nghiệp đang phải vật lộn để duy trì hoạt động sau khi nhiều nhà hàng cùng các địa điểm giải trí được yêu cầu đóng cửa, nhiều người tiêu dùng đã không ra ngoài để tránh nguy cơ nhiễm virus.
Gian hàng bán thức ăn đường phố của Cheng Sheng và anh trai anh tại một ngã tư ở Bắc Kinh, thường luôn nhộn nhịp suốt từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối. Món bánh xèo mặn nhồi trứng, rau diếp và xúc xích của anh luôn hút khách giờ phải đóng cửa từ 10 giờ sáng bởi khu phố trở nên vắng tanh sau khi nhiều người đi làm sáng đi qua.
Anh cho biết mình phải kiếm được ít nhất 1.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 3 triệu đồng) mỗi ngày để hoà vốn, nhưng hiện tại chỉ thu được khoảng 500 nhân dân tệ (khoảng 1,5 triệu đồng) ngay cả trong những ngày nhộn nhịp nhất. “Việc kinh doanh của chúng tôi chỉ bằng 1/5 so với trước đây. Lý do chính là bởi có rất ít người qua lại, con phố này không có một bóng người”, anh Cheng nói.
Tín hiệu đáng mừng nữa là một số tập đoàn nước ngoài cũng bắt đầu nối lại hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Apple cuối tháng 2 vừa qua đã mở cửa lại hơn một nửa số trong số 42 cửa hàng bán lẻ ở quốc gia châu Á này. Ngày 8/3, thương hiệu đồ nội thất hàng đầu thế giới IKEA cũng thông báo mở cửa trở lại 9 cửa hàng tại Trung Quốc.