Cuộc đua đạt miễn dịch cộng đồng đầu tiên của các thành phố Trung Quốc

Một số thành phố tại Trung Quốc đang cạnh tranh đẩy mạnh chương trình tiêm chủng địa phương với mong muốn trở thành thành phố đầu tiên ở Trung Quốc đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.

Chú thích ảnh
Người dân đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc tháng 6/2021. Ảnh: THX

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), tính đến ngày 16/6, gần 16 triệu người dân Bắc Kinh – tương đương với hơn 80% dân số đủ điều kiện tiêm chủng – đã hoàn thành hai liều tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trong tổng số trên 22 triệu dân của thành phố, số người tiêm chủng đầy đủ cũng đã đạt trên 70%.

Tỷ lệ tiêm chủng tại Bắc Kinh tương đương với tỷ lệ tiêm chủng tại San Francisco khi nơi này đang trên đường trở thành thành phố đầu tiên tại Mỹ đạt miễn dịch cộng đồng sau khi 74% dân số trên 12 tuổi được tiêm vaccine. Tính đến ngày 2/7, 67% dân số San Fracisco hoàn thành hai mũi tiêm chủng.

Các thành phố của Trung Quốc dễ bị ảnh hưởng từ nguy cơ các ca mắc nhập khẩu cao hơn, đặc biệt là những thành phố ở biên giới và các thành phố lớn nhất, được coi là nhưng điểm ưu tiên trong chiến dịch tiêm chủng của chính phủ.

Cụ thể, hòn đảo Hải Nam đã sớm bắt đầu chương trình tiêm chủng đại trà từ tháng 3 để “nhanh chóng xây dựng hàng rào miễn dịch” trước hai sự kiện lớn: Diễn đàn Bác Ngao châu Á tổ chức vào tháng 4 và Hội chợ triển lãm sản phẩm tiêu dùng quốc tế Trung Quốc vào tháng 5. Tại thành phố nghỉ mát Tam Á với dân số 1,03 triệu người, trên 755.000 người - chiếm 73% tổng dân số - cũng đã được tiêm đủ hai mũi vaccine tính đến ngày 25/6.

Tại Thượng Hải, trên 16,8 triệu người – tương đương 67% - trong tổng số 25 triệu dân của thành phố đã hoàn thành tiêm chủng ngừa COVID-19 trước khi bước sang tháng 7. Bên cạnh đó, hai thành phố lớn tiếp theo đang trên đà vượt mốc 70% miễn dịch là Hải Khẩu và Thâm Quyến.

Chú thích ảnh
Vaccine Sinopharm ngừa COVID-19 của Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Điểm chung ở các thành phố này là mặc dù có tỷ lệ tiêm chủng cao song giới chức địa phương vẫn duy trì áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt như đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và đăng ký mã y tế cá nhân.

Dù thời tiết nóng nực và bản thân đã tiêm vaccine, Fan Fan vẫn đeo khẩu trang cùng bạn xếp hàng đợi bên ngoài một nhà hàng nổi tiếng tại Bắc Kinh vào tuần trước.

“Tôi vẫn đeo khẩu trang vì quen với việc đó nhiều tháng nay rồi. Nếu không đeo khẩu trang khi ra ngoài, tôi sẽ cảm thấy rất trống trải”, nữ nhân viên văn phòng 25 tuổi cho biết.

Trên đường tới nhà hàng, tại các điểm ra vào tàu điện ngầm, Fan Fan được đo thân nhiệt trước khi quẹt vé. Một nhân viên bảo an sẽ đi tuần tra tại ga để đảm bảo hành khách tuân thủ việc đeo khẩu trang.

“Quét mã y tế chỉ mất có vài giây. Nó chẳng là cái gì so với việc bị mắc COVID-19. Thú thực tôi cảm thấy an toàn khi mọi người đều đeo khẩu trang nơi công cộng”, Fan chia sẻ.

Các chuyên gia y tế cộng đồng đã nhiều lần khuyến cáo Trung Quốc cần phải duy trì các biện pháp hạn chế, chẳng hạn như kiểm soát chặt chẽ biên giới quốc gia và giãn cách xã hội để ngăn chặn các đợt bùng phát lớn trước khi nước này đạt được miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý cần phải có các cuộc kiểm tra và thử nghiệm để xác nhận xem Trung Quốc đã đạt được mức độ miễn dịch hay chưa.

Trước đây, giới chuyên gia y tế đều nhất trí rằng một quốc gia đạt được miễn dịch cộng đồng khi ít nhất 70% dân số được miễn dịch, thông qua tiêm chủng hoặc hồi phục sau khi mắc bệnh. Do phần lớn các thành phố Trung Quốc không có ổ dịch lớn, nên chủ yếu họ dựa vào chương trình tiêm chủng để đạt mục tiêu đề ra.

Với mức độ lây lan thay đổi do sự xuất hiện của các biến thể virus SARS-CoV-2 mới và mức độ bảo vệ chưa được kiểm nghiệm của vaccine trước mầm bệnh, một số chuyên gia y tế trong đó có chuyên gia hô hấp Zhong Nanshan và nhà dịch tễ học Shao Yiming, khuyến cáo Trung Quốc cần phải tiêm chủng cho ít nhất 80 đến 85% dân số thì mới đạt được miễn dịch cộng đồng.

John Kaldor, giáo sư của Viện Kirby tại Đại học New South Wales, cho biết kết quả có đạt được miễn dịch cộng đồng hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Các loại vaccine có thể phòng ngừa trường hợp bệnh có triệu chứng nhưng chúng ta vẫn chưa chắc chắn liệu vaccine có thể ngăn cho virus không lây lan từ người không có triệu chứng sang người khác hay không. “Một quốc gia có thể đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng ngày hôm nay nhưng sẽ mất đi vào ngày mai do những yếu tố này. Xác suất bùng phát dịch về cơ bản giảm đáng kể khi có miễn dịch cộng đồng, nhưng nó sẽ không giảm xuống bằng không. Kiến thức hiện tại chưa cho phép chúng tôi tín thoán chính xác tác động của những yếu tố này”.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Israel đổi vaccine COVID-19 sắp hết hạn cho Hàn Quốc 
Israel đổi vaccine COVID-19 sắp hết hạn cho Hàn Quốc 

Mới đây Israel cho biết nước này đã đạt thỏa thuận chuyển khoảng 700.000 liều vaccine Pfizer/BioNTech sắp hết hạn cho Hàn Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN