Lực lượng trung thành với hai vị tướng đối địch nhau đang cạnh tranh giành kiểm soát Sudan. Người dân thường đang chịu nhiều tác động nhất trong diễn biến này khi tính đến 17/4 đã có ít nhất 97 dân thường thiệt mạng, hơn 590 người bị thương.
Trọng tâm của xung đột này là hai người đàn ông: lãnh đạo quân đội Sudan Tướng Abdel Fattah al-Burhan và chỉ huy của RSF Tướng Mohamed Hamdan Dagalo.
Trước đó, 2 nhân vật này là đồng minh. Họ đã hợp tác để lật đổ Tổng thống Sudan Omar al-Bashir năm 2019 và đóng vai trò then chốt trong cuộc đảo chính quân sự năm 2021.
Tuy nhiên, gần đây căng thẳng bùng phát trong quá trình đàm phán để hợp nhất RSF vào quân đội Sudan.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết cả hai vị tướng này đều tuyên bố sẽ không đàm phán ngừng bắn. Thay vào đó, họ còn "đấu khẩu" và đều yêu cầu đối phương phải đầu hàng.
Kênh CNN (Mỹ) cho biết sau khi Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ, Sudan bị cai trị bởi một liên minh “bằng mặt mà không bằng lòng” giữa quân đội và các nhóm dân sự. Điều này chấm dứt vào năm 2021 khi lực lượng vũ trang giải tán chính phủ.
RSF là nhóm bán vũ trang nổi trội nhất tại Sudan. Lãnh đạo của RSF là Tướng Dalago. Chính cựu Tổng thống Bashir đã thành lập RSF vào năm 2013. Khi đó, nhóm bán quân sự này do ông Bashir giám sát và được dẫn dắt bởi Dagalo.
Tuy nhiên, cả quân đội và RSF quay lưng lại với ông Bashir từ tháng 4/2019 sau nhiều tháng biểu tình. Sau đó, ông được chỉ định làm phó lãnh đạo Hội đồng Chủ quyền chuyển tiếp cầm quyền Sudan cùng các lãnh đạo dân sự.
Nhiều quan chức ước tính lực lượng vũ trang Sudan có quân số khoảng 210.000-220.000 người trong khi RSF được cho có khoảng 70.000 thành viên nhưng được đào tạo và trang bị tốt hơn.
Thời điểm kết thúc xung đột Sudan vẫn khá mờ mịt. Cả hai phía đều khẳng định đã kiểm soát các địa điểm then chốt và giao tranh đã xảy ra ở nhiều nơi tại Sudan.
Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 16/4 đã kêu gọi các bên ở Sudan lập tức ngừng giao tranh và trở lại đối thoại. Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh cam kết phối hợp với các lãnh đạo khu vực và các bên ở Sudan tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng này.
Tình hình tại Sudan làm dấy lên lo ngại trong khu vực. Các nước láng giềng Ai Cập và CH Chad đã đóng cửa biên giới với Sudan trong khi nhiều hãng hàng không của Ai Cập, Saudi Arabia và Qatar đã ngừng các chuyến bay tới Sudan. Liên minh châu Phi (AU), Liên đoàn Arab (AL), Cơ quan Liên chính phủ về Phát triển (IGAD, trong đó Sudan là thành viên) và cộng đồng quốc tế đã lên tiếng chỉ trích bạo lực và kêu gọi các bên đối thoại nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay.