Theo hãng tin Reuters, Chính phủ Tây Ban Nha ngày 13/5 thông báo mọi du khách quốc tế nhập cảnh vào quốc gia này đều bắt buộc cách ly 15 ngày. Công dân Pháp sẽ bị cách ly 10 ngày. Những du khách này sẽ phải ở tại khách sạn hay chỗ thuê, và chỉ được phép ra ngoài mua nhu yếu phẩm hay tới thăm khám tại các cơ sở y tế. Quy định có hiệu lực từ ngày 15/5.
Ngày 14/5, Điện Elysee cảnh báo Pháp sẽ có đòn trả đũa tương tự nếu như Tây Ban Nha triển khai kế hoạch. Lệnh cách ly sẽ áp dụng cho mọi quốc gia hạn chế công dân Pháp.
Các lệnh trả đũa được cho là mâu thuẫn với hướng dẫn mở cửa của Ủy ban Liên minh châu Âu (EC) công bố ngày 13/5. Theo văn bản hướng dẫn ‘không phân biệt đối xử”, công dân tại các nước thành viên “nên được phép di chuyển tới những khu vực, quốc gia trong EU có cùng điều kiện dịch tễ”.
Mục đích ra văn bản hướng dẫn này là tái mở cửa khu vực Schengen không biên giới vào mùa nghỉ lễ nhằm cứu vãn ngành du lịch của khối. Châu Âu chiếm một nửa thị trường du khách toàn cầu, nên giải cứu ngành du lịch là nhiệm vụ sống còn đối với Brussels.
Tuy nhiên, EU không có sức mạnh thực sự để chỉ đạo chính sách biên giới của các nước do mỗi quốc gia phải chịu trách nhiệm biên giới của riêng mình. Thay vào đó, EU chỉ có thể khuyến khích các quốc gia tuân theo đề xuất. Trong một cuộc họp với thành viên Quốc hội châu Âu vào tuần trước, Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề nội vụ Ylva Johansson cho biết EC phản đối việc mở cửa biên giới có chọn lọc và ngăn không cho các quốc gia thành viên tự lập ra quy định riêng.
Bất chấp những lời đe dọa từ Brussels, Anh vẫn đưa ra quy định đối với biên giới nước mình. Sau khi Thủ tướng Boris Johnson thông báo ưu tiên cho công dân Pháp không phải tuân thủ lệnh cách ly 14 ngày khi đến nước này, EU đe dọa kiện Chính phủ Anh. Theo quy định của khối, Anh phải cách ly toàn bộ công dân các nước thành viên EU, hoặc nếu không cách ly thì không đối với tất cả các nước.
Trong khi đó, Chính phủ Đức tuyên bố cũng chỉ mở cửa biên giới cho 4 nước, bao gồm Pháp, Thụy Sĩ, Áo và Luxembourg tới 15/6, còn Cộng hòa Séc, Hà Lan và Bỉ vẫn nằm trong lệnh cấm nhập cảnh.
Vào cuối tháng 2, khi các bộ trưởng y tế của EU đưa ra tuyên bố chung “đóng cửa biên giới là một biện pháp không phù hợp và không hiệu quả vào thời điểm này”, Áo đã tạm dừng hoạt động đường sắt với Italy. Hai tuần sau, Hungary đơn phương đóng cửa biên giới với tất cả công dân nước ngoài. Đến giữa tháng 3, gần một nửa trong số 27 thành viên EU áp dụng các lệnh cấm biên giới.
Tính đến thời điểm hiện tại, dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) vẫn đang là một mối đe dọa tại châu Âu. Năm trong số mười quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch COVID-19 trên thế giới là các quốc gia châu Âu, với tổng số ca mắc tại 5 nước này lên tới trên 1 triệu người và số ca tử vong là trên 128.000 người.