Cuộc bạo loạn ở Điện Capitol được cho là bắt nguồn từ mạng xã hội

Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump kết thúc bài phát biểu trước những người biểu tình tại thủ đô Washington vào lúc 1 giờ chiều hôm 6/1, hàng trăm người đã ủng hộ ông đăng tải bài viết kêu gọi xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ.

Chú thích ảnh
Những người ủng hộ Tổng thống Trump quay phim, chụp ảnh trong Điện Capitol. Ảnh: Getty Images

Theo trang New York Times, trên các trang mạng xã hội của phe cực hữu như Gab và Parler, nhóm người ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã chỉ dẫn và bàn bạc về việc người biểu tình nên đi đường nào để tránh cảnh sát, nên mang theo những dụng cụ nào để cạy cửa dưới phần bình luận của các bài đăng. Ngoài ra, có ít nhất hàng chục người đã đăng tải các bài viết về việc mang theo súng vào hội trường của tòa nhà Quốc hội.

Những lời kêu gọi dùng bạo lực chống lại các nghị sĩ Quốc hội, ủng hộ Tổng thống Trump và giành lại Điện Capitol đã lan truyền trên mạng trong nhiều tháng qua. Với sự ủng hộ của Tổng thống Trump, các nhóm này đã công khai tổ chức trên mạng xã hội và kêu gọi nhiều người khác tham gia để thực hiện mục đích bạo loạn.

Vào ngày 6/1, những lời kêu gọi trong thế giới ảo đã trở thành làn sóng bạo loạn trong thế giới thực, dẫn đến cảnh tượng chưa từng thấy. Trên mạng xã hội, nhiều người biểu tình quay cảnh họ tự do đi dạo qua các sảnh của tòa nhà Quốc hội, đăng tải các bức ảnh ăn mừng và kêu gọi những người khác tham gia.

Trên trang Gab, những bức ảnh cho thấy người biểu tình còn đi cả vào văn phòng của các nghị sĩ Quốc hội, bao gồm cả văn phòng của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Hàng chục người đã đăng tải cảnh tìm kiếm Phó Tổng thống Mike Pence.

Vào lúc 2h24 chiều, sau khi ông Trump đăng lên Twitter rằng ông Pence “không có đủ can đảm để làm những gì đáng lẽ phải làm”, hàng chục thông điệp trên trang này lại kêu gọi những người bên trong Điện Capitol săn lùng Phó Tổng thống. Trong các video tải lên trang Gab, có thể nghe thấy nhiều người biểu tình hô vang: "Ông Pence ở đâu?".

Khi mạng xã hội Facebook và Twitter bắt đầu đàn áp các nhóm kêu gọi bạo loạn, những người này dần chuyển sang các trang khác cho phép công khai kêu gọi dùng bạo lực.

Bà Renee DiResta, nhà nghiên cứu các phong trào trực tuyến tại tại Stanford Internet Observatory, nhận định rằng vụ bạo loạn hôm 6/1 là kết quả của các phong trào trực tuyến trên mạng truyền thông xã hội. Những người tham gia phong trào này tin vào tuyên bố tình trạng gian lận cử tri và phiếu bầu bị đánh cắp của Tổng thống Trump.

"Những người này đang hành động vì họ tin rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp. Đây là một minh chứng về tác động thực tế của 'buồng dội âm' - tình huống tạo ra niềm tin của người dùng Internet bằng cách lặp lại liên tục một thông tin nào đó", chuyên gia DiResta nói. "Điều này cũng phủ nhận ý kiến cho rằng thế giới trực tuyến và ngoại tuyến tồn tại tách biệt, hay những cuộc thảo luận trên mạng chỉ có ở trên mạng", bà nói thêm.

Hải Vân/Báo Tin tức
Đã có 4 người thiệt mạng trong cuộc biểu tình tại tòa nhà Quốc hội Mỹ
Đã có 4 người thiệt mạng trong cuộc biểu tình tại tòa nhà Quốc hội Mỹ

Hãng tin Bloomberg dẫn lời cảnh sát trưởng thủ đô Washington D.C Robert Contee cho biết, đã có thêm 3 người chết trong cuộc biểu tình tại tòa nhà Quốc hội Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN