Biểu tình lan từ Quốc hội Mỹ tới nghị viện nhiều tiểu bang

Không chỉ tấn công Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington DC, người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump còn kéo tới cả bên ngoài và vào bên trong tòa nhà nghị viện các bang khắp nước Mỹ để phản đối kết quả bầu cử.

Chú thích ảnh
Người biểu tình tập trung bên ngoài tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington, D.C., ngày 6/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Vox, nhóm người biểu tình đã ập vào tòa nhà Quốc hội chiều 6/1, làm gián đoạn phiên họp kiểm phiếu đại cử tri để xác nhận chiến thắng cho ông Joe Biden.

Chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Trump khuyến khích đám đông biểu tình, hàng trăm người đã phá đổ hàng rào, đập vỡ cửa sổ, vào tòa nhà Quốc hội.

Hai tiếng sau, ông Trump đã đăng video lên Twitter nói rằng người biểu tình phải về nhà.

Tuy nhiên, đã quá muộn. Không lâu trước khi ông Trump ra tuyên bố, một người đã bị bắn chết, ít nhất 5 người phải nhập viện.

Các cuộc biểu tình cũng diễn ra ở nhiều nơi khắp nước Mỹ.

Arizona

Chú thích ảnh
Người biểu tình ở Arizona mang máy chém tới. Ảnh: Twitter

Đám đông bạo loạn ở Arizona đã tập trung lên tới hàng trăm người để thể hiện sự giận dữ và bác bỏ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Họ đập liên tục vào cửa tòa nhà nghị viện bang Arizona ở Phoenix. Đám đông đập cửa tới khi kính bị nứt. Một nhóm khác còn mang máy chém tới biểu tình.

Video người biểu tình ở Arizona (Nguồn: Vox)

Kansas

Chú thích ảnh
Tuần hành bên ngoài nghị viện Kansas ở Topeka. Ảnh: AP

Người biểu tình vào tòa nhà nghị viện bang Kansas chiều 6/1 sau khi hàng trăm người đã biểu tình bên ngoài tòa nhà từ trước đó. Theo các tờ báo địa phương, người biểu tình được phép vào và họ tuân thủ quy định khi phản đối kiểm phiếu đại cử tri ở Washington DC.

Texas

Chú thích ảnh
Người ủng hộ ông Trump bên ngoài tòa nhà nghị viện Texas. Ảnh: Twitter

Tại nghị viện bang Texas, hàng trăm người ủng hộ ông Trump cũng tập trung khi cuộc nổi dậy bùng phát ở thủ đô Washington DC. Giới chức bang nhanh chóng đóng cửa tòa nhà và bao vây quanh tòa nhà để duy trì trật tự và giải quyết mối đe dọa từ đám đông.

Florida

Ở bang Florida, khoảng 150 người biểu tình đã tuần hành bên ngoài tòa nhà nghị viện bang để phản đối kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.

Đám đông ở đây tuần hành hòa bình. Họ cầu nguyện cùng nhau từ 8 giờ sáng 6/1 (giờ địa phương). Tới trưa, họ giải tán thành các đám nhỏ.

Oregon

Chú thích ảnh
Cảnh sát bị người biểu tình quang nghị viện bang Oregon ném pháo hoa vào. Ảnh: Salem Reporter

Tại bang này, giới chức đã quyết định đóng cửa tòa nhà nghị viện trong cả ngày 6/1 để đề phòng biểu tình bạo lực. Vào buổi chiều, hàng trăm người biểu tình đã tuần hành quanh tòa nhà ở Salem để phản đối kết quả bầu cử và quy định phòng chống dịch COVID-19. Họ còn đốt hình nộm của Thống đốc bang Kate Brown.

Georgia

Chỉ một ngày sau cuộc bầu cử Thượng viện ở bang Georgia mà theo dó đảng Dân chủ giành lại kiểm soát Thượng viện, các nhân viên cấp cao ở bang đã được hộ tống ra khỏi tòa nhà nghị viện khi một nhóm người biểu tình tuần hành bên ngoài. Căng thẳng gia tăng sau khi cuộc nổi dậy ở thủ đô Washington diễn ra.

California

Chú thích ảnh
Biểu tình bên ngoài Tòa thị chính ở Los Angeles. Ảnh: AP

Tại Sacramento, người ủng hộ ông Trump đối đầu với lực lượng phản đối biểu tình. Các nhóm tập trung quanh tòa nhà nghị viện bang để bác bỏ kết quả bầu cử tổng thống, đồng thời chỉ trích Thống đốc bang Gavin Newsom vì quy định phòng chống dịch bệnh. Cảnh sát Sacramento đã bắt giữ một số người mang theo hơi cay.

New York

Bên ngoài tòa nhà nghị viện New York ở Albany, nơi Thống đốc bang Andew Cuomo đang phát biểu về kế hoạch chống COVID-19, hai người đã được đưa tới viện và một người bị bắt do liên quan tới vụ đâm chém. 

Giới chức thực thi pháp luật cho biết bạo lực bắt nguồn từ biểu tình diễn ra bên ngoài nghị viện bang.

Washington

Ít nhất có ba cuộc tuần hành ở Olympia để phản đối kết quả bầu cử Mỹ. Tại tòa nhà nghị viện bang, thành viên nhóm Patriot Prayer đã phát biểu và mang theo cờ “Trump là tổng thống của chúng ta”. 
Khi một người thông báo tòa nhà Quốc hội bị người biểu tình xông vào, đám đông hoan hỉ và có người hô to “Chiến tranh rồi”.

Colorado

Chú thích ảnh
Cảnh sát bên ngoài nghị viện bang. Ảnh: Twitter

Tòa nhà nghị viện đang đã được đóng cửa trước đề đề phòng bạo loạn. Cảnh sát chống bạo động đã sẵn sàng.

Vụ bạo loạn ở Quốc hội Mỹ đã khiến nhiều quan chức Mỹ và lãnh đạo thế giới chỉ trích mạnh mẽ.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã lên án những kẻ thực hiện hành vi này. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cho rằng những đối tượng xông vào Đồi Capitol không phải là những người phản đối mà là những kẻ nổi dậy phải bị truy tố.

Các cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và Bill Clinton cũng chỉ trích những đối tượng gây bạo loạn, coi đây là "vụ tấn công chưa từng có tiền lệ" tại Mỹ.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Volkan Bozkir đã lên án tình trạng bạo lực, hỗn loạn xảy ra tại thủ đô Washington D.C. Ông khẳng định nước Mỹ là một trong những quốc gia lớn có nền dân chủ nên ông tin rằng hòa bình và sự tôn trọng dân chủ sẽ sớm được thiết lập trở lại tại đây, đặc biệt vào thời điểm này.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Đảng Dân chủ nhanh tay cứu các hòm phiếu trong cảnh bạo loạn
Đảng Dân chủ nhanh tay cứu các hòm phiếu trong cảnh bạo loạn

Để ngăn không cho người biểu tình chiếm lấy những thùng phiếu và đốt chúng, các nhân viên của đảng Dân chủ đã nhanh chóng tóm lấy các thùng phiếu và rời khỏi phòng họp thượng viện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN