Sự kiện tắt đèn thường niên do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) - một tổ chức phi chính phủ lớn nhất thế giới hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn hoang dã và môi trường - khởi xướng từ năm 2007 và giờ đây đã trở thành chất xúc tác quan trọng thúc đẩy phong trào bảo vệ môi trường.
Theo báo cáo, sự kiện tắt đèn năm ngoái đã thu hút người ủng hộ tại trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo đó tích lũy được tổng cộng 410.000 giờ tắt đèn cho hành tinh. Ban tổ chức sự kiện năm kỳ vọng người dân trên thế giới sẽ dành 60 phút trong sự kiện năm nay để làm điều có ích cho Trái Đất.
Một người phát ngôn của WWF ở Anh nêu rõ Giờ Trái Đất là khoảnh khắc đoàn kết toàn cầu, tập hợp mọi người trên khắp thế giới cùng nhau nhìn nhận thực tế về cuộc khủng hoảng khí hậu và thiên nhiên đang diễn ra, đồng thời truyền cảm hứng cho mọi người hành động và ủng hộ những thay đổi cấp thiết. Ông nhấn mạnh: "Những hành động nhỏ có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Vì vậy chúng tôi mong chờ xem có bao nhiêu người tham gia sự kiện năm nay và dành một giờ cho Trái Đất để giúp hồi sinh thế giới của chúng ta".
Như một phần của chiến dịch năm nay, nhiều địa danh nổi tiếng của Anh sẽ ủng hộ Giờ Trái Đất bằng cách tắt đèn, bao gồm London Eye và bốn Bảo tàng Tate ở London, Liverpool và Cornwall. Ngoài ra, BFI IMAX, Đèn Piccadilly, Westfield, Cung điện Hoàng gia Lịch sử và Cung điện Buckingham cũng sẽ tắt tất cả đèn vào Giờ Trái Đất để ủng hộ chiến dịch.
Tại Ấn Độ, thành phố Hyderabad sẽ tham gia Giờ Trái Đất vào tối 23/3 bằng việc tắt đèn tại các công trình kiến trúc tiêu biểu của thành phố. Sự kiện này cũng được hưởng ứng tại các văn phòng và cơ quan chính phủ trên khắp bang Telangana, nơi nguồn điện sẽ bị ngắt trong một giờ.
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres, Giờ Trái Đất là "lễ hội toàn cầu thể hiện tình đoàn kết với hành tinh của chúng ta". Ông kêu gọi: "Hãy cùng tắt đèn và hướng thế giới đến một tương lai tươi sáng hơn".