Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), Viện Max Planck (Đức) và Viện Pasteur (Pháp) đã tiến hành một nghiên cứu và phát hiện ra rằng trung bình một bệnh nhân mắc COVID-19 có thể lây bệnh cho 2 người khác. Nhưng nếu người này cũng bị mắc cúm mùa, họ có thể lây lan virus cho 4 đến 5 người. Kết quả nghiên cứu hiện vẫn chưa được kiểm chứng độc lập.
Tiến sĩ Matthieu Domenech de Celles, nhà dịch tễ học người Đức, người đứng đầu nghiên cứu và các đồng nghiệp, đã phát triển một mô hình mô phỏng sự hoạt động của bệnh cúm mùa và bệnh COVID-19. Họ đã phân tích dữ liệu COVID-19 ở các nước châu Âu, bao gồm Bỉ, Italy, Tây Ban Nha và Na Uy để phân biệt tác động của hai bệnh truyền nhiễm khác nhau này.
Tranh luận xung quanh việc bệnh cúm ảnh hưởng như thế nào đến đại dịch COVID-19, một số nhà khoa học tin rằng nhiễm virus do các chủng cúm gây ra sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch chéo, có thể bảo vệ một phần chống lại virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, những người khác nhận định dịch cúm mùa sẽ chỉ làm cho tình hình tồi tệ hơn. Một bệnh nhân mắc COVID-19 và cúm mùa sẽ phải chống lại hai loại virus khác nhau cùng một lúc. Hơn nữa, một số triệu chứng cúm điển hình như ho, hắt hơi cũng sẽ khiến virus SARS-CoV-2 dễ dàng lây lan.
Nghiên cứu cũng tìm thấy “bằng chứng nhất quán cho thấy trong thời kỳ cùng lưu hành, bệnh cúm có liên quan đến sự gia tăng mức độ lây truyền SARS-CoV-2 ở mức độ dân số trung bình cao gấp 2 đến 2,5 lần”.
Theo phân tích của các nhà khoa học, sự sụt giảm số ca mắc mới sau đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên vào mùa xuân không chỉ do các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội, mà còn do lúc đó dịch cúm mùa đã kết thúc.
Họ phát hiện ra rằng 30 đến 50% các trường hợp mắc COVID-19 và cúm mùa cùng lúc đã không được phát hiện. Theo ông Domenech de Celles, một lý do có thể xảy ra là thời gian khởi phát của hai bệnh khác nhau. Bệnh nhân COVID-19 thường mất hơn 5 ngày mới bắt đầu xuất hiện các triệu chứng, lâu hơn thời gian ủ bệnh cúm mùa từ 1 đến 2 ngày. Vì vậy, khi bệnh nhân xét nghiệm virus SARS-CoV-2, họ có thể đã khỏi bệnh cúm mùa.
Một đại dịch do một biến thể của virus H1N1 gây ra hồi năm 1918 (cúm Tây Ban Nha) cũng đã lây nhiễm cho khoảng 1/3 dân số thế giới và khiến 50 triệu người thiệt mạng. Đại dịch cúm này xảy ra theo nhiều đợt, và một số nhà khoa học tin rằng những đợt dịch này bùng phát và trở nên tồi tệ hơn là do bệnh cúm mùa.
Trước đó, một nghiên cứu của Google và Phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor hồi tháng 5 cũng cho thấy nhiễm cúm có thể làm tăng đáng kể lượng enzym chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2) trong cơ thể người. Trong khi đó, ACE2 là một thụ thể chính được virus SARS-CoV-2 sử dụng để liên kết với các tế bào chủ.
Tiến sĩ Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, cho biết vào tháng trước rằng mùa thu có thể là thời điểm “tồi tệ nhất mà chúng ta từng thấy” nếu người Mỹ không tuân theo các hướng dẫn phòng dịch, chẳng hạn như hạn chế đến các nơi đông người hoặc đeo khẩu trang.
Tiến sĩ Wang Chen, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Y học Trung Quốc tại Bắc Kinh,cố vấn cấp cao của chính phủ về ứng phó với đại dịch COVID-19, cũng khuyến cáo người dân nên tiêm phòng cúm trước khi dịch mùa cúm kéo đến vào tháng 11.
Tại hội nghị quốc gia của Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc vào tháng 8, ông Wang Chen cho rằng việc tiêm phòng cúm có thể giảm nguy cơ bị nhiễm các loại virus khác nhau gây ra các triệu chứng tương tự. “Chúng ta nên tiêm phòng trước cuối tháng 9 hoặc chậm nhất là tháng 10”, ông Wang Chen nói.
Ngày càng có nhiều lo ngại cho rằng một làn sóng dịch bệnh COVID-19 mới có thể ập đến bán cầu bắc vào mùa thu này. Điều này có thể khiến cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 thậm chí còn tồi tệ hơn.
“Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người”
Link tải về ứng dụng Bluezone: trên
Android; trên
iOS
Xem hướng dẫn cài Bluezone
tại đây