Khoản hỗ trợ trên nằm trong chương trình hợp tác giữa Canada và 25 quốc gia châu Mỹ. Việc có thêm một lượng lớn thiết bị bảo quản sẽ giúp Cuba tăng cường khả năng lưu trữ vaccine và củng cố Chương trình Tiêm chủng quốc gia phòng COVID-19.
Đại diện của PAHO tại Cuba, Tiến sĩ José Moya nhấn mạnh rằng việc các đơn vị y tế cơ sở của nước này vẫn duy trì tiêm phòng định kỳ bất chấp đại dịch COVID-19 là điều mà hiếm có quốc gia nào ở châu Mỹ thực hiện được.
Trong khi đó, ông François Picard - một quan chức thuộc Đại sứ quán Canada tại Cuba, cho biết quốc gia Bắc Mỹ này đã cung cấp 50 triệu CAD (hơn 37 triệu USD) cho PAHO nhằm hỗ trợ dự án khu vực Tiếp cận vaccine phòng COVID-19 cho những đối tượng dễ bị tổn thương ở châu Mỹ. Đến nay, chương trình đã giải ngân 1,3 triệu CAD cho Cuba để đảm bảo hệ thống bảo quản lạnh và giám sát các hoạt động tiêm chủng ngừa virus SARS-CoV-2.
Ông Picard nêu bật tầm quan trọng của phản ứng toàn cầu phối hợp và việc đảm bảo công bằng trong tiếp cận vaccine, xét nghiệm chẩn đoán và điều trị vì bệnh COVID-19 không phân biệt biên giới, làm gia tăng bất bình đẳng và đảo ngược những thành tựu phát triển quan trọng. Đại diện của Canada đánh giá cao những nỗ lực và kết quả mà hệ thống y tế quốc gia Cuba đạt được trong cuộc chiến chống COVID-19, đặc biệt là việc nghiên cứu và phát triển vaccine nội địa. Ông Picard hy vọng khoản hỗ trợ sẽ giúp nhiều người Cuba được tiếp cận vaccine kịp thời và an toàn.
Về phía Cuba, Thứ trưởng Bộ Y tế Carilda Peña cảm ơn Chính phủ Canada và PAHO về các khoản hỗ trợ cho Chương trình Tiêm chủng quốc gia Cuba, chương trình này đã thành công trong suốt 61 năm qua trong việc loại trừ bệnh bại liệt, bạch hầu, quai bị, ho gà, rubella, sởi và nhiều dịch bệnh khác. Bà Peña nhấn mạnh kết quả của chiến dịch tiêm chủng chống COVID-19 tại đảo quốc Caribe này. Cùng với các biện pháp khác, Cuba đã thành công trong việc duy trì tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 ở mức thấp và trong hơn 8 tháng qua không ghi nhận ca tử vong nào do COVID-19.