Dự luật do các Thượng nghị sỹ Amy Klobuchar (thuộc đảng Dân chủ - bang Minnesota), Jerry Moran (Cộng hòa - bang Kansas), Chris Murphy (Dân chủ - Connecticut), Roger Marshall (Cộng hòa-Kansas) và Elizabeth Warren (Dân chủ -Massachusett) đề xuất.
Trong một tuyên bố, Thượng nghị sĩ Klobuchar nhấn mạnh dự luật đề xuất là cách để chấm dứt hoàn toàn lệnh cấm vận Cuba, đồng thời khẳng định dự luật này sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu và mang lại các cơ hội kinh tế cho doanh nghiệp Mỹ.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Moran đến từ Kansas - bang có thế mạnh về nông nghiệp, cho rằng lệnh cấm vận đơn phương của Mỹ đối với Cuba đã ngăn cản những người nông dân, chủ trang trại và nhà sản xuất của Mỹ xuất khẩu hàng hoá sang nơi chỉ cách Mỹ hơn 100 km, trong khi các đối thủ cạnh tranh của Mỹ hưởng lợi điều này. Hiện Cuba là thị trường nhập khẩu nông sản đứng thứ 50 của Mỹ. Trước năm 1960, Cuba ở vị trí thứ 9 trong lĩnh vực này.
Trước đó, dự luật trên lần đầu tiên được đề xuất vào năm 2021, song không được đưa ra thảo luận. Lần này, tại Thượng viện Mỹ, dự luật sẽ phải vượt qua 2 thượng nghị sĩ có lập trường cứng rắn đối với Cuba tại Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện là Chủ tịch ủy ban này Robert Menendez (bang New Jersey) và Thượng nghị sĩ Marco Rubio bang Florida.
Kể cả khi qua được “cửa ải” ủy ban này, dự luật này có thể không được đưa ra bỏ phiếu nếu lãnh đạo Thượng viện không chắc hội tụ đủ 60 phiếu ủng hộ. Cơ hội Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát thảo luận về dự luật này cũng rất ít ỏi. Cũng không có gì chắc chắn rằng Tổng thống Joe Biden sẽ ký ban hành thành luật nếu văn bản này được Quốc hội thông qua. Mặc dù vậy, dự luật cũng thể hiện tiếng nói của một số thượng nghị sỹ về sự cần thiết phải xem xét lại chính sách đối với Cuba, vốn hầu như không thay đổi trong hơn 6 thập kỷ qua.
Theo Liên hợp quốc (LHQ), lệnh cấm vận từ thời Chiến tranh Lạnh này đã khiến nền kinh tế Cuba thiệt hại ít nhất 130 tỷ USD trong 6 thập kỷ qua. Dù một đạo luật thông qua năm 2000 đã cho phép một số hoạt động giao thương giữa Mỹ và Cuba về nông nghiệp, nhưng giới chuyên gia cho rằng cơ chế trừng phạt này là lý do chính gây ra những khó khăn kinh tế đối với Cuba và những khó khăn đó vẫn tiếp diễn. Năm 2022, Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu với đa số áp đảo thông qua nghị quyết lên án lệnh cấm vận Cuba. Chỉ có Mỹ và Israel phản đối nghị quyết này.