Cử tri Thụy Sĩ chọn lựa sự ổn định trong bối cảnh kinh tế bất ổn do dịch COVID-19

Cử tri Thụy Sĩ đã bác bỏ sáng kiến của đảng Nhân dân (SVP) - đảng chính trị lớn nhất nước này, về sửa đổi Hiến pháp nhằm đảm bảo quốc gia châu Âu này có thể độc lập điều chính chính sách di cư, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị công bố Hiệp ước mới về di cư và di trú.

Chú thích ảnh
 Các cử tri Thụy Sĩ tiến hành bầu cử các thành viên mới của Hạ viện và Thượng viện, ngày 20/10/2019. Ảnh tư liệu: Tố Uyên/Pv TTXVN tại Thụy Sĩ

Theo kết quả kiểm phiếu công bố ngày 27/9, có 61,7% cử tri bỏ phiếu phản đối sáng kiến của SVP, lựa chọn sự ổn định trong bối cảnh tình hình kinh tế khó đoán định do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trước đó, chính phủ, quốc hội, các tổ chức chủ lao động và các đảng chính trị đã phản đối sáng kiến của SVP, cho rằng kiến nghị này sẽ làm tổn hại các mối quan hệ giữa Thụy Sĩ với EU. Chính phủ Thụy Sĩ quan ngại việc nước này đơn phương vô hiệu hóa hiệp ước nói trên sẽ ảnh hưởng đến quan hệ giao thương giữa hai bên mà EU là đối tác thương mại lớn nhất.

Ngay sau khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân được công bố, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã hoan nghênh sự lựa chọn của cử tri Thụy Sĩ, đồng thời bày tỏ mong chờ duy trì quan hệ hợp tác gần gũi giữa hai bên. Người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng đã ca ngợi kết quả cuộc trưng cầu góp phần nâng tầm một trong những trụ cột chính trong quan hệ giữa hai bên, đó là tự do di chuyển, sống và làm việc tại Thụy Sĩ và EU. 

Quan hệ giữa Thụy Sĩ và EU trải qua nhiều thăng trầm. Một sáng kiến tương tự của SVP được cử tri Thụy Sĩ thông qua năm 2014 đã đẩy quan hệ hai bên rơi vào khủng hoảng. Thụy Sĩ và EU đã phải mất nhiều năm để cải thiện mối quan hệ này. 

Trong kế hoạch cải cách di cư mang tên "Hiệp ước mới về Di cư và Cư trú" được mong đợi khá lâu, EC đề xuất các nước thành viên EU nếu không tự nguyện đón nhận thêm người di cư có thể hỗ trợ tiền để đưa họ về nước. Biện pháp này được cho là giúp giảm sức ép cho Italy và Hy Lạp - hai "cửa ngõ" chính mà người di cư từ châu Phi tìm cách vào châu Âu.

Theo đề xuất trên, các quốc gia ở khu vực biên giới ngoài của EU đang chịu sức ép quá tải người tị nạn, như Italy và Malta, có thể đề nghị kích hoạt một "cơ chế đoàn kết bắt buộc". Khi đó, tất cả các nước còn lại phải đóng góp tài chính để hỗ trợ việc trục xuất tùy theo khả năng kinh tế và quy mô dân số từng nước. Tuy nhiên, các nước này có thể chọn giữa việc chấp nhận người xin tị nạn hay "tài trợ" cho những người này về nước.

Thụy Sĩ không phải thành viên của EU, song tham gia khu vực Schengen và thị trường chung châu Âu thông qua các hiệp định song phương. Do đó, quốc gia châu Âu này thực thi nhiều quyết định đi lại của EU và khu vực Schengen.

Lan Phương (TTXVN)
Thụy Sĩ thêm 528 ca mắc COVID-19, nâng tổng số lên trên 46.200 ca
Thụy Sĩ thêm 528 ca mắc COVID-19, nâng tổng số lên trên 46.200 ca

Ngày 11/9, Thụy Sĩ ghi nhận thêm 528 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây là ngày có số ca nhiễm cao nhất tại nước này kể từ đầu tháng 4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN