Trong số 13 bang sẽ tiến hành các cuộc bầu cử sơ bộ vào ngày “Siêu thứ Ba”, ít nhất 5 bang sẽ áp dụng Luật Quyền Bầu cử (được thông qua từ năm 1965) gồm Alabama, Georgia, Tennessee, Texas và Virginia.
Cử tri đăng ký lá phiếu bầu cử tại bang Nam Carolina ngày 27/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Luật này có phạm vi từ việc yêu cầu cử tri xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh cho đến chứng minh tư cách công dân trước khi đăng ký bỏ phiếu. Các chuyên gia đánh giá quy định này sẽ làm giảm đáng kể số lượng cử tri đi bầu là người thiểu số da màu và người trẻ tuổi.
Điều này sẽ tác động rất lớn đến cuộc đua của các ứng cử viên đảng Dân chủ do hai ứng cử viên dẫn đầu hiện nay gồm Hillary Clinton và Bernie Sanders đều phụ thuộc vào các khối cử tri này. Đặc biệt trong 11 bang của đảng Dân chủ sẽ tổ chức bầu cử trong ngày "Siêu thứ Ba", có 6 bang ở miền Nam có số dân rất lớn là người da màu.
Do đó, ứng cử viên Hillary đã đẩy mạnh các hoạt động chống lại các quy định mới về quyền bỏ phiếu trong những tháng gần đây và bà đã đệ trình vụ kiện chống lại một số bang áp dụng các quy định mới này.
Những người ủng hộ siết chặt quy định bầu cử cho rằng họ sẽ ngăn chặn quyết liệt bất kỳ sự gian lận nào trong các cuộc bầu cử. Người phản đối cho rằng luật mới này không nhằm vào sự gian lận của cử tri mà là vì đấu tranh chính trị. Giám đốc Chương trình Dân chủ thuộc Trung tâm Công lý Brennan ở trường Đại học Luật New York Wendy Weiser cho rằng không nghi ngờ gì về tác động tiêu cực của các quy định mới đối với các cuộc bầu cử sơ bộ sắp tới và mọi người sẽ sớm phải tập trung giải quyết những rắc rối sẽ gây ra cho cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới.
Hiện vấn đề này cũng đang gây ra cuộc đấu tranh pháp lý giữa Bộ Tư pháp Mỹ với một số chính quyền cấp bang ở Mỹ về việc có nên áp dụng các quy định siết chặt quyền bầu cử của người dân Mỹ hay không.