Cử tri hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu và cũng là hai thành viên chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) Đức và Pháp đã bắt đầu đi bỏ phiếu bầu cử nghị viện châu Âu (EP). Các điểm bỏ phiếu ở các hai nước mở cửa từ 7h sáng (khoảng 13h Hà Nội).
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, là quốc gia lớn nhất châu Âu cả về dân số và quy mô nền kinh tế, Đức được phân bổ nhiều ghế nhất tại EP. Năm nay, có tổng cộng 41 đảng tại Đức tham gia chạy đua giành 96 ghế.Tuy nhiên, cử tri Đức cũng không mấy hào hứng với cuộc bầu cử khu vực này.
Mặc dù về lý thuyết, nước Đức sẽ có gần 61 triệu cử tri đi bỏ phiếu, song trong 4 cuộc bầu cử châu Âu gần đây, tỷ lệ cử tri Đức đi bỏ phiếu luôn ở mức dưới 50%, cho thấy người dân Đức không còn dành nhiều sự quan tâm đến các vấn đề mang tính khu vực. Đặc biệt hơn, thăm dò trước bầu cử chỉ ra rằng, phần đông cử tri vẫn do dự, chưa quyết định bầu cho đảng nào.
Tại Pháp, 34 đảng sẽ tham gia tranh cử, và các cuộc thăm dò đang cho thấy đảng có xu hướng hoài nghi EU của bà Marine Le Pen có thể giành được nhiều sự ủng hộ hơn đảng cầm quyền của Tổng thống Emmanuel Macron. Tuy nhiên, trước đó, tại Hà Lan và Ireland, kết quả bầu cử đều gây bất ngờ khi các đảng thân châu Âu giành chiến thắng.
Theo phóng viên TTXVN tại Italy, khoảng 51 triệu cử tri Italy đủ tư cách tham gia cuộc bầu cử lần này. Italy có 5 khu vực bầu cử, bao gồm Đông Bắc, Tây Bắc, miền Trung, miền Nam và hai đảo lớn của Italy với hơn 62.000 điểm bỏ phiếu.
Cuộc bầu cử châu Âu tại Italy được đánh giá là phản ánh tình hình chung của toàn châu Âu hiện nay với cuộc đua của hai xu hướng đối lập là tăng cường hội nhập châu Âu của các đảng truyền thống và dân tộc chủ nghĩa hoài nghi châu Âu của các đảng dân túy, cực hữu.
Luật EU quy định tất cả các nước thành viên đều phải sử dụng các cơ chế bầu cử đảm bảo sự đại diện theo tỷ lệ. Điều này có nghĩa rằng số thành viên đắc cử vào nghị viện của mỗi đảng phụ thuộc vào số lượng phiếu bầu mà đảng đó giành được trong cuộc bỏ phiếu. Tại Italy, các chính đảng phải giành được ít nhất 4% số phiếu bầu mới có ghế trong Nghị viện châu Âu.
Trong cuộc bầu cử lần này, cử tri Italy sẽ bầu ra 73 ghế nghị sĩ châu Âu chính thức và 3 ghế dự bị trong trường hợp nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Kết quả thăm dò mới nhất trước cuộc bầu cử cho thấy đảng Liên đoàn của ông Matteo Salvini tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với 32,1%. Thứ hai là đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) với 22,7%. Đảng Dân chủ (PD) trung tả đứng thứ 3 với 21,54% và tiếp đó là đảng Tiến lên Italy (FI) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, với 9,25%. Cũng theo kết quả thăm dò, các đảng dân túy, cực hữu đang chiếm lợi thế trước các đảng truyền thống trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm nay.
Dự kiến, các điểm bỏ phiếu ở Italy sẽ đóng cửa vào 23h00 ngày 26/5 (theo giờ địa phương, tức 4h00 sáng 27/5 theo giờ Việt Nam). Kết quả bỏ phiếu được công bố sớm nhất là vào cuối ngày, được cho là sẽ có những tác động quan trọng đến hoạt động chính trị nội bộ của nước này cũng như vai trò của Rome trong EU.
Một số nhà phân tích cho rằng cuộc bầu cử EU là một phép thử đối với chính phủ liên minh cầm quyền ở Italy hiện nay. Trong những tuần gần đây, khi đang vận động tranh cử, lãnh đạo đảng Liên đoàn Matteo Salvini và lãnh đạo đảng M5S Luigi Di Maio đã đưa ra những quan điểm khác biệt nhau nhằm thu hút cử tri, dù cả hai đảng này hiện đang liên minh với nhau để điều hành đất nước. Căng thẳng chính trị giữa hai nhà lãnh đạo đã gia tăng trong thời gian qua và kết quả bỏ phiếu dự kiến sẽ ảnh hưởng đến các động lực trong nội bộ chính phủ.
Cuộc bầu cử EP nhiệm kỳ 2019-2024, được tiến hành từ ngày 23 - 26/5, trong đó trên 400 triệu cử tri trên toàn châu Âu sẽ bỏ phiếu để bầu 751 thành viên EP. Ngày 26/5 được coi là có ý nghĩa quan trọng khi cử tri các nước lớn của EU trong đó có Đức, Pháp, Italy đi bỏ phiếu.
Đây là cuộc bầu cử EP lần thứ 9 kể từ khi lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1979, trong đó số cử tri tham gia bỏ phiếu thu hẹp dần và đạt mức 43% vào năm 2014. Các chính phủ châu Âu lo ngại số lượng các nghị sĩ có tư tưởng bài châu Âu được bầu nếu ở mức cao có thể sẽ tác động tới khả năng thống nhất quyết định tại cơ quan lập pháp châu Âu.