Eo biển Kerch ở Crimea. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Theo hãng tin AP, ngày 23/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Tổng thống Ukraine, cáo buộc ông Volodymyr Zelensky kéo dài cuộc xung đột với Nga khi ông kiên quyết không trao cho Nga bất kỳ phần lãnh thổ nào, bao gồm cả Crimea, theo như kế hoạch hòa bình tiềm năng mà Mỹ đề xuất.
Ông Zelensky nói: “Không có gì để thảo luận. Đó là đất đai của chúng tôi, của nhân dân Ukraine”.
Ông Trump gọi sự phản đối của ông Zelensky là “rất có hại” cho các cuộc đàm phán. Ông viết trên mạng xã hội: “Không ai yêu cầu ông Zelensky công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga, nhưng nếu ông ấy muốn có lại Crimea, vậy tại sao họ không chiến đấu vì nó 11 năm trước khi bị trao cho Nga mà không một phát súng nào được bắn ra?”.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Mỹ từng tuyên bố sẽ không bao giờ công nhận Crimea là của Nga.
Diễn biến vụ Nga sáp nhập Crimea
Năm 2013 - 2014, một cuộc nổi dậy quy mô lớn kéo dài nhiều tuần đã diễn ra tại Ukraine, dẫn đến việc Tổng thống Ukraine khi đó là ông Viktor Yanukovich bị buộc phải rời chức.
Khi Ukraine chìm trong hỗn loạn, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chớp thời cơ, đưa quân chiếm bán đảo Crimea - một mảnh đất hình thoi nằm ở Biển Đen.
Lính Nga xuất hiện ở Crimea trong bộ quân phục không mang phù hiệu và không lâu sau, Tổng thống Putin tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Crimea vào Nga mà Ukraine và phương Tây coi là bất hợp pháp.
Quan hệ giữa Nga với phương Tây sau đó rơi xuống mức thấp mới. Mỹ, Liên minh châu Âu và một số quốc gia khác đã áp đặt lệnh trừng phạt Nga và các quan chức của nước này.
Một số nước như Triều Tiên và Sudan đã công nhận hành động sáp nhập Crimea ngày 18/3/2014.
Sau sự kiện, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Putin tăng vọt. Theo Trung tâm khảo sát độc lập Levada, tỉ lệ này đã tăng từ 65% hồi tháng 1/2014 lên 86% vào tháng 6/2014.
Ông Putin coi Crimea là vùng đất thiêng liêng và là một phần của Nga.
Vài tuần sau khi Nga sáp nhập Crimea, giao tranh bùng phát tại miền Đông Ukraine giữa các lực lượng thân Nga và quân đội Ukraine.
Giao tranh tại miền Đông Ukraine tiếp diễn rải rác cho đến tháng 2/2022, khi ông Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt quy mô lớn vào Ukraine.
Tầm quan trọng chiến lược của Crimea
Vị trí địa lý đặc biệt của Crimea khiến bán đảo này trở thành tài sản chiến lược quan trọng và Nga đã chiến đấu để giành lấy Crimea trong nhiều thế kỷ.
Khi Đế quốc Nga lần đầu sáp nhập Crimea vào thế kỷ 18, nơi đây là quê hương của người Tatar nói tiếng Turkic. Crimea đã có thơ gian độc lập ngắn ngủi hai thế kỷ sau đó trước khi Liên Xô giành lại.
Lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã chuyển giao Crimea từ Nga sang Ukraine năm 1954 khi cả hai đều là thuộc Liên Xô để kỷ niệm 300 năm thống nhất giữa Moskva và Kiev. Năm 1991, khi Liên Xô sụp đổ, Crimea trở thành một phần của Ukraine độc lập.
Tuy nhiên, Nga vẫn giữ chỗ đứng tại đây: Hạm đội Biển Đen của Nga có căn cứ ở thành phố Sevastopol và Crimea dù là một phần của Ukraine nhưng vẫn tiếp tục cho phép Nga hiện diện quân sự.
Đến năm 2014, khi Nga sáp nhập, bán đảo này đã thuộc về Ukraine được 60 năm.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cam kết giành lại Crimea và khẳng định Nga sẽ không thể lấy bán đảo này.
Với cả hai bên, kiểm soát Crimea là chìa khóa để giành ưu thế tại Biển Đen - một tuyến vận tải quan trọng đối với ngũ cốc và nhiều hàng hóa khác trên thế giới.
Vai trò của Crimea trong chiến sự hiện nay
Trước khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, Nga đã điều quân và vũ khí đến Crimea, cho phép lực lượng Nga nhanh chóng chiếm phần lớn miền Nam Ukraine trong những tuần đầu của chiến dịch.
Một quan chức quân đội cấp cao của Nga cho rằng thiết lập hành lang trên bộ từ Nga đến Crimea bằng cách kiểm soát các vùng lãnh thổ chiếm đóng ở Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson là một trong những mục tiêu then chốt của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự, ông Zelensky chủ yếu tập trung vào các nỗ lực ngoại giao để giành lại Crimea, nhưng sau khi binh lính Nga tràn qua biên giới, Ukraine bắt đầu công khai lên kế hoạch giành lại bán đảo bằng vũ lực.
Crimea nhanh chóng trở thành chiến trường, khi các cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái và bom do Ukraine thực hiện nhằm phá vỡ quyền kiểm soát của Nga tại đây.
Khói bốc lên ngùn ngụt từ hiện trường vụ nổ trên cây cầu nối với Bán đảo Crimea ngày 8/10/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Các cuộc tấn công này nhằm vào Hạm đội Biển Đen của Nga tại Crimea, cũng như các kho đạn, sân bay và tài sản chiến lược quan trọng, đặc biệt là cầu Kerch nối Crimea với lãnh thổ Nga. Cây cầu này từng bị tấn công vào tháng 10/2022 và tháng 7/2023.
Vai trò của Crimea trong nỗ lực hòa bình
Trong tuần này, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance nói rằng Mỹ đã đưa ra một đề xuất rất rõ ràng với cả Nga và Ukraine. Ông khẳng định đã đến lúc họ phải nói đồng ý, nếu không Mỹ sẽ rút khỏi tiến trình này.
Trong chuyến thăm Ấn Độ, ông nói với các phóng viên rằng đây là một đề xuất rất công bằng nhằm đóng băng đường ranh giới lãnh thổ ở mức gần như hiện tại, dù cả hai bên đều phải từ bỏ một phần lãnh thổ đang kiểm soát. Ông không đưa ra chi tiết cụ thể.
Mặc dù Tổng thống Trump khẳng định rằng không ai yêu cầu Ukraine công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga, nhưng chưa rõ liệu đề xuất của Mỹ có bao gồm việc Mỹ công nhận điều này hay không. Nếu đó thì đó sẽ đánh dấu bước ngoặt trong chính sách đối ngoại nhiều năm qua của Mỹ.
Năm 2017, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông Rex Tillerson từng tuyên bố trong một cuộc họp có sự tham gia của Ngoại trưởng Nga rằng: “Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận việc Nga tìm cách sáp nhập Crimea”. Năm sau đó, người kế nhiệm ông là ông Mike Pompeo nhấn mạnh rằng Mỹ bác bỏ vụ sáp nhập này.
Ngày 23/4, Tổng thống Zelensky dẫn lại phát biểu của ông Pompeo trên nền tảng X: “Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng các đối tác của mình, đặc biệt là Mỹ, sẽ hành động phù hợp với những quyết định mạnh mẽ của họ”.
Tuy nhiên, hồi tháng 6/2024, Tổng thống Putin đã đưa việc Ukraine công nhận Crimea là của Nga vào danh sách các yêu cầu để đạt được hòa bình. Những yêu cầu này còn bao gồm: Ukraine từ bỏ 4 vùng lãnh thổ mà Nga sáp nhập năm 2022, rút lại nguyện vọng gia nhập NATO, giữ vị thế phi hạt nhân, hạn chế lực lượng quân sự và bảo vệ quyền lợi của cộng đồng nói tiếng Nga.
Kiev tuyên bố việc nhượng lãnh thổ là điều không thể chấp nhận.
Nga đang kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả Crimea, nên bất kỳ thỏa thuận nào đóng băng đường ranh theo hiện trạng đều có lợi cho Moskva.